Logo Brian & Eve Family | Be simple. Be happy
Mang thai

Làm Sao Để Vượt Qua Lo Lắng Trong Thai Kỳ?

09/07/2024
Làm Sao Để Vượt Qua Lo Lắng Trong Thai Kỳ?
Chào bạn,
 
Mang thai là một khoảng thời gian cực kỳ tuyệt vời, mang đầy cảm xúc háo hức và hạnh phúc. Tuy nhiên, bên cạnh cảm xúc tích cực đó thì cũng sẽ gặp không ít lo lắng và sợ hãi. Đây là điều hoàn toàn bình thường mà bất cứ mẹ bầu nào cũng đều có thể phải trải qua.
Nếu không biết cách kiểm soát những suy nghĩ tiêu cực này thì có thể ảnh hưởng không tốt trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi, sức khỏe tâm lý của mẹ cũng như tình cảm hạnh phúc trong gia đình nữa.
 
Bài viết này mình sẽ điểm qua một số lo lắng thường gặp trong giai đoạn mang thai. Bên cạnh đó là những tips để vượt qua những khó khăn này. Đây là những tips cực kỳ đơn giản. Đơn giản đến mức có thể khiến cho bạn bất ngờ.
 
Nếu muốn xem video thì bạn tham khảo ở đây nhen:
 

 

Tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu thai kỳ)

Lo lắng sảy thai, thai lưu, thai ngoài tử cung

Lúc thử que lên 2 vạch, bên cạnh cảm xúc vui mừng, háo hức thì lúc này bạn sẽ có một số lo lắng:
  • Không biết thai đã vào tử cung hay chưa?
  • Không biết em bé khi nào mới có tim thai?
  • Mình có thể gặp trường hợp sẩy thai, loss con hoặc thai lưu hay không?
Thật ra tình trạng thai lưu hoặc sẩy thai có thể xảy ra ở trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Tuy nhiên, xác suất xảy ra cao nhất rơi và  tam cá nguyệt thứ nhất. Đặc biệt đối với những mẹ không được may mắn những lần trước, từng bị mất con thì sẽ cực kỳ lo lắng. Tâm lý nặng nề hơn rất nhiều so với những mẹ chưa từng trải qua cảm giác đó bao giờ.

Lo lắng bị sẩy thai trong 3 tháng đầu

Nếu được thì vợ chồng bạn nên giữ bí mật với người thân và mọi người xung quanh. Khi biết tin đậu thai thì chúng ta sẽ rất vui mừng. Rất muốn báo cho người này người kia. Nhưng nên cố gắng kìm giữ cảm xúc để tránh những lo lắng và áp lực không đáng có.

Trong 3 tháng đầu thai kỳ sẽ gặp rất nhiều trục trặc. Cho nên, vợ chồng bạn hãy thực sự cố gắng đợi một thời gian nữa, khi thai đã ổn định thì báo cho mọi người cũng không muộn đâu.
Thông báo sớm với gia đình, nếu không có chuyện gì xẩy ra thì sẽ rất vui và hạnh phúc nhưng nếu lỡ có một trục trặc nhỏ gì đó thì mọi người xung quanh sẽ hỏi thăm nhiều. Sự quan tâm này vô hình trung tạo nên áp lực cho mẹ. Thai nhi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ tâm lý, tâm trạng của mẹ. Do đó, nên cố gắng giữ cho mẹ bầu tâm trạng thoải mái nhất có thể, tránh đi những suy nghĩ tiêu cực không đáng có.

Vậy thì giải pháp nào cho việc lo lắng sẩy thai, thai lưu, thai chưa vào tử cung hoặc không có tim thai?
Thực tế cho thấy rằng dù cho bạn ở sát bên bệnh viện. Chồng bạn là bác sĩ hay ngay cả khi bạn là bác sĩ thì vẫn không thể tránh được trường hợp đó nếu như nó xảy ra. Chúng ta chỉ thay đổi được những vấn đề có thể kiểm soát được thôi. Chẳng hạn như làm sao để ăn ngon hơn, vui vẻ hơn và cảm thấy thoải mái hơn. Còn đối với việc thai lưu, sẩy thai, thai ngoài tử cung hoặc chưa có tim thai thì dù cho có lo lắng đi chăng nữa thì cũng không thay đổi được gì.

Sẩy thai không rõ nguyên nhân trong 3 tháng đầu

Thai nhi trong 3 tháng đầu sẽ sống dựa vào nội tiết của mẹ rất nhiều. Nếu bạn stress thì sẽ ảnh hưởng đến hormone trong người. Khi hormone trong người bất thường thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của em bé trong giai đoạn này.
Nếu bạn nào đã từng trải qua chuyện sẩy thai rồi thì sẽ biết được rằng bác sĩ không thể nào đưa ra nguyên nhân chính xác tại sao trường hợp xấu đó lại xẩy ra. Bác sĩ sẽ động viên bạn, khuyến khích đến bệnh viện kiểm tra để giảm, để tránh trường hợp tương tự xảy ra trong lần mang thai sau.
Cho nên, trong  trường hợp này chỉ có một cách là bạn phải thả lỏng, suy nghĩ mọi việc nhẹ nhàng hơn. Tại vì như mình vừa phân tích, không biết nguyên nhân thì không thể nào thay đổi được đâu.
Đối với việc không thể nào thay đổi thì tốt nhất đừng nghĩ về nó nữa, suy nghĩ tiêu cực sẽ ảnh hưởng không tốt đến con.

Cách tốt nhất trong trường hợp này là hãy hướng về suy nghĩ tích cực. Nếu bạn thuộc đạo Công giáo thì có thể nghĩ “mọi việc là Thiên Chúa đã sắp đặt”.
Nếu là người Phật giáo thì có thể nghĩ tại vì “không đủ duyên nợ với con”. Còn trường hợp không theo một tín ngưỡng nào thì có thể nghĩ là “trời xanh đã an bài”. Đây là một chuyện “thuộc về định mệnh”.
Trên đây là một số cách suy nghĩ lạc quan giúp bạn có thể vượt qua được khoảng thời gian khủng hoảng khi mất con.

Cuộc sống này, nếu vui được ngày nào thì cứ vui. Vấn đề nào suy nghĩ được đơn giản thì cứ suy nghĩ đơn giản. Khi suy nghĩ tích cực thì sẽ tốt cho bản thân bạn. Đương nhiên là em bé sẽ được hưởng lợi từ việc này. Em bé sẽ cảm nhận được chuyện đó và bạn cũng sẽ truyền được năng lượng tích cực cho mọi người xung quanh. Hạnh phúc gia đình sẽ tăng lên.

Trường hợp bạn từng bị mất con ở lần trước rồi thì mình rất thấu hiểu và đồng cảm. Bản thân mình cũng giống như bạn. Mình cũng từng trải qua cảm giác đó.
Cho nên nếu như may mắn có thai trở lại thì nên chủ động trao đổi với bác sĩ về tiền sử bản thân. Từ đó bác sĩ có thể kê thêm một số thuốc để giúp bạn yên tâm hơn. Chẳng hạn như thuốc nội tiết theo đường uống, đường đặt hoặc đường tiêm.

Tuy nhiên, trong giai đoạn này thì bạn phải thật sự chú ý. Nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu ra máu bất thường thì nên đến bệnh viện ngay lập tức để kiểm tra.
 

Ốm nghén khi mang thai


Lo lắng về bị nghén quá nhiều trong thai kỳ

Mình bị ốm nghén trong hơn 5 tháng nên rất hiểu cảm giác bị “nghén hành”.
Mình từng bị nghén nhiều đến mức không thể ăn được gì. Thậm chí không thể uống được nước lọc. Vào mỗi buổi sáng là sẽ ói rất nhiều. Ói ra cả mật. 
Mình cảm thấy rất là mệt mỏi, rất sợ phải thức dậy mỗi ngày.
Có hàng tá câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu mình như:
  • Không biết ngày mai còn nghén hay không?
  • Không biết ngày mai có ăn được gì không?
  • Mình không ăn được thì em bé sẽ lớn bằng cách nào?
Nhưng như mình đã phân tích ở trên thì trong 3 tháng đầu tiên em bé sống dựa vào nội tiết của mẹ chứ không phải từ dinh dưỡng mẹ ăn vào. Cho nên dù mẹ bị nghén thì con vẫn có đủ dưỡng chất để phát triển.
Nhưng sự thực, đối với những người nghén nặng (mình cũng là một trong số đó) thì khó mà tránh được cảm giác mệt mỏi. Không ăn được rất dễ dẫn đến đau dạ dày và stress.
Đã từng nếm trải qua những khó khăn này nên mình có làm một video về những cách giảm nghén hiệu quả. Bạn tham khảo và thử áp dụng xem sao nhen.

Mặc dù bạn bị nghén nhưng hãy luôn giữ suy nghĩ tích cực. Bạn bị nghén, có nghĩa là bạn đang có bầu. Xã hội ngoài kia, có biết bao nhiêu người đang trông ngóng con, tìm đủ mọi cách mà đâu có con đâu. Cho nên, mệt mỏi xíu nhưng cảm nhận con từng ngày đang lớn dần lên trong bụng mẹ - đó là niềm mơ ước của biết bao người khác.  
Cho nên cuộc sống này, bạn có thể nhìn lên nhưng đừng bao giờ quên nhìn xuống. Miễn sao bạn cảm thấy tích cực hơn, vui vẻ hơn, có nhiều động lực sống để cố gắng hơn mỗi ngày. Đó đã một điều hạnh phúc rồi bạn.
Với cách suy nghĩ như vậy thì mình tin chắc bạn sẽ sớm vượt qua giai đoạn thai nghén một cách đơn giản và dễ dàng.
 

Lo lắng về giảm triệu chứng mang thai

Phụ nữ mang thai thì cực kỳ khó hiểu. Khó hiểu hơn mức bình thường rất nhiều. Nghén nhiều thì lo mà không nghén thì lại càng lo.
Lo bản thân không nghén thì em bé còn khỏe không?  Em bé có sao hay không?
Lỡ như một hôm không nghén, mình lên mạng tìm hiểu nhiều thông tin lắm.
  • Tại sao mình không nghén?
  • Mới ngày hôm qua mình đau ngực, tức ngực mà sao hôm nay không thấy gì trơn?

Giảm triệu chứng khi mang thai

Khi có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường hơn ngày hôm trước thì bạn sẽ lo lắng. Nhưng theo kinh nghiệm của mình, nếu như dấu hiệu đó giảm giảm từ từ thì bình thường. Có thể do hormone ngày hôm đó khác với những ngày khác. Cho nên cơ thể mẹ có những biểu hiện vậy thôi chứ chẳng có vấn đề gì hết. Còn nếu như mất dấu hiệu đột ngột luôn thì bạn nên đặt dấu chấm hỏi lớn. Mình từng bị loss con cho nên mình biết rất rõ điều này. Chẳng hạn ngày hôm trước bạn nghén rất nhiều nhưng hôm sau giống như dấu hiệu đó mất hoàn toàn. Bạn cảm thấy bản thân tự nhiên khỏe, thật sự rất khỏe thì nên đến bệnh viện để kiểm tra càng sớm càng tốt.
Trong trường hợp dấu hiệu chỉ giảm nhẹ thôi nhưng vẫn cảm thấy lo lắng thì bạn hãy làm cho bản thân bận rộn hơn. Tại vì đang quá focus vào đó nên bạn mới thấy lo lắng như vậy. Nếu như tâm trí cả ngày bận rộn thì bạn cũng không biết hôm nay có nghén nhiều hơn hôm qua hay không đâu. Hoặc bạn cũng không biết hôm nay mình có tức ngực hay mình có đi tiểu nhiều hơn hôm qua hay không đâu.
 

Số lần đi tiểu khi mang thai


Tần suất đi tiểu khi mang thai

Một lo lắng mình cũng từng trải qua là số lần đi vệ sinh trong ngày. Cụ thể là số lần đi tiểu. Như thông tin mình biết trước đây thì ai cũng nói khi mang thai chúng ta sẽ mắc tiểu rất nhiềuđi tiểu rất nhiều lần trong ngày.
Bản thân mình từ khi biết tin có thai cho tới lúc sinh em bé luôn thì tần suất đi tiểu nhiều hơn bình thường chắc chỉ một vài lần trong ngày. Nếu như bạn giống mình thì cũng đừng lo lắng. Quan trọng là cảm nhận của bản thân, bạn thấy em bé của mình khỏe là được rồi.
Cơ địa mỗi người mỗi khác. Không phải ai mang thai thì cũng phải tiểu nhiều lần hơn bình thường nhiều mới đúng đâu.
 

Ngứa vùng kín (ngứa âm đạo)

Trong tam cá nguyệt thứ nhất khi hormone tăng lên một cách đột ngột thì có thể gây ra tình trạng ngứa vùng kín. Vấn đề này hơi tế nhị nhưng cũng rất đỗi bình thường . Tỉ lệ phần trăm phụ nữ mang thai bị vấn đề này cũng khá cao.
Có một sai lầm khá là tai hại đối với những mẹ không may rơi vào tình trạng này. Đó là suy nghĩ “mình sẽ không sao đâu”. Hoặc là sợ cảm giác phải đi khám, sợ phải đặt thuốc hay uống thuốc. Đặt thuốc gần em bé quá lại sợ ảnh hưởng em bé.

Lo lắng bị ngứa vùng kín khi mang thai

Nếu lỡ như bạn gặp tình trạng ngứa vùng kín thì bắt buộc phải nói với bác sĩ. Bác sĩ sẽ khám xem bạn đang ở mức độ nào. Sau đó bạn sẽ được kê đơn, sử dụng thêm dung dịch vệ sinh để điều trị dứt điểm tình trạng bệnh lý.  
Cho nên đừng có giấu bác sĩ bạn nhé. Chúng ta là những người không có chuyên môn thì vấn đề này cần phải trao đổi với bác sĩ để có thể giảm phần nào đó nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của em bé.
Khi sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai thì hầu hết chúng ta sẽ lên mạng tìm hiểu về công dụng cũng như tác dụng phụ của thuốc. Thuốc nào chắc chắn cũng sẽ có tác dụng phụ dù ít hay nhiều. Tuy nhiên tác dụng phụ thường xảy ra với xác suất rất nhỏ. Thuốc được phân phối ra ngoài thị trường thì phải đã vượt qua được những tiêu chuẩn do những tổ chức, cơ quan ban ngành kiểm duyệt trước rồi. Ngoài ra, thuốc cho mẹ bầu thường là thuốc được bác sĩ chuyên môn kê cho. Do đó, bạn có thể yên tâm về vấn đề này.
 

Thời gian sử dụng điện thoại

Bây giờ đang là thời đại công nghệ thông tin, chúng ta sử dụng thiết bị công nghệ điện tử rất nhiều, đặc biệt là điện thoại. Trong khoảng thời gian bị nghén, không ăn uống được gì, cơ thể rất mệt mỏi, mình cũng sẽ cầm điện thoại nhiều hơn. Khi mà sử dụng điện thoại nhiều thì mình lại cứ tưởng tượng về tác hại sóng điện từ đến thai nhi. Thậm chí khi sử dụng máy sấy tóc thì lúc sấy xong thì mình bắt đầu sợ. Tại vì máy sấy tóc của mình là dòng máy sấy tóc sóng ion. Mình bắt đầu lên mạng tìm hiểu những thông tin cơ bản như:
  • Mang bầu có được sấy tóc hay không?
  • Mang bầu dùng máy sấy tóc có sóng ion có sao không?

Sử dụng điện thoại khi mang thai

Bây giờ nghĩ lại, mình còn không hiểu được tại sao lúc đó lại tưởng tượng ra nhiều thứ đến như vậy. Thật sự có rất ít thông tin liên quan đến câu hỏi mang thai có nên dùng máy sấy tóc có sóng ion hay không? Có những luồng thông tin trái chiều, có người nói sử dụng được, cũng có người nói là không nên dùng. Nhưng đó lần đầu tiên và cũng lần cuối cùng mình sử dụng trong suốt thai kỳ luôn. Tại vì những cái gì đã khiến mình lo lắng thì mình sẽ cố gắng bỏ qua luôn cho yên tâm.
Vậy giải pháp để xử lý cho những lo lắng kiểu này là gì?
Nếu lỡ bạn vướng phải những lo lắng dạng này thì bạn phải cố gắng kiểm soát bản thân. Cố gắng nhắc nhở bản thân mỗi ngày phải tránh xa những thiết bị có sóng điện từ để tốt cho em bé.
Bạn cũng có thể thay thế bằng những thói quen tốt khác. Chẳng hạn, thay vì cầm điện thoại thì bạn có thể để điện thoại xa hơn mình chút và để cuốn sách, cái máy kindle… gần mình một chút. Khi đó bạn sẽ giảm được thời gian sử dụng các thiết bị điện tử.
 

Món ăn dễ gây sẩy thai 


Món ăn dễ gây ra tình trạng sẩy thai

Trong giai đoạn này có thể có nhiều bạn thèm ăn hơn mức bình thường. Ăn ngon hơn mức bình thường.
Nếu lỡ vô tình ăn trúng một số loại thực phẩm có thể gây tình trạng sẩy thai  như rau ngót, dứa... Ăn xong rồi tự nhiên bạn mới biết được thông tin đó. Bạn cảm thấy rất lo lắng và tự trách bản thân tại sao lại bất cẩn như vậy. Tại sao lại ham ăn như vậy?
Thật ra khi đã ăn rồi thì đâu còn cách nào lấy ra đâu. Cũng không chắc gì khi lỡ ăn vô rồi thì sẽ xảy ra chuyện gì cả.
Bạn đừng có quá căng thẳng. Càng căng thẳng thì càng ảnh hưởng đến em bé. Đôi khi thực phẩm đó chưa ảnh hưởng đến em bé nhưng suy nghĩ căng thẳng của mẹ đã tác động xấu tới con rồi.
 

Giới tính của em bé

Chắc chắn có rất nhiều mẹ lo lắng vấn đề này. Đặc biệt là với những gia đình thích có em bé trai. Những mẹ mà đã có một con gái rồi thì có thể bạn sẽ lo lắng nhiều hơn.
Thật ra đây là đứa con đầu tiên của vợ chồng mình. Cho nên cũng không quan trọng trai hay gái gì hết. Trong quá trình mang thai thì vẫn tò mò về giới tính con trong 3 tháng đầu:
  • Không biết em bé mang giới tính gì?
  • Con mình sẽ trông như thế nào?
  • Em bé giống mẹ như thế nào?
  • Em bé giống ba như thế nào?

Lo về giới tính em bé

Bên cạnh cảm giác vui mừng lâng lâng thì sẽ có rất nhiều suy nghĩ, liên tưởng về em bé. Cho nên vợ chồng mình có một chút tò mò chứ hoàn toàn không hề có ý nghĩ thích con trai hay con gái hơn.
Hai vợ chồng trao đổi về việc có em bé, nên khi mở điện thoại lên lướt mạng xã hội thì thấy toàn hình đồ em bé không. Nhiều quần áo dễ thương lắm nên mình rất bị kích thích.
Mình có lên mạng tham khảo các phương pháp dân gian để phỏng đoán về giới tính em bé. Mục đích của mình là đoán giới tính con để địa địa trước các mẫu quần áo sơ sinh. Mình thử nhận biết thông qua một số dấu hiệu như:
  • Thèm ăn ngọt hay ăn chua?
  • Dùng bột baking soda bỏ vào nước tiểu.
  • Cầm chiếc nhẫn để cho lắc qua lắc lại trước bụng....
Và kết quả là gì?
Tất cả các dấu hiệu theo phương pháp dân gian thì chỉ ra giới tính em bé nhà mình là con gái. Lúc đó mình cũng suy nghĩ dữ lắm.
Tại vì cảm nhận người mẹ trong mình thì mình lại thấy không đúng. Cảm nhận không giống bé gái.
Thói quen, bản tính của mẹ thay đổi khi mang bầu không được nữ tính cho lắm…Và sau này thì mình lại sinh bé trai.  
Cho nên, nếu bạn tò mò thì tò mò cho vui vậy thôi. Bạn đừng có tin quá. Em bé nhà mình trốn siêu âm rất nhiều lần. Đi ngoài đường đang rất vui vẻ nhưng gần tới gần bệnh viện là cứ có cảm giác buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu…..
Từ khi mới bắt đầu có thai cho tới khi đến ngày đi sinh thì mình vẫn vậy. Em bé thì lần nào đi siêu âm cũng trốn siêu âm hết.  Cho nên có lúc thì bác sĩ nói giống ba, có lúc thì giống mẹ. Sau đó vợ chồng mình quyết định lựa chọn giải pháp không hỏi nữa.
Bệnh viện mình đi thăm khám trong suốt thai kỳ thì cũng không giống như mấy phòng khám tư chuyên siêu âm giới tính bên ngoài. Vợ chồng mình cũng không đặt nặng vấn đề trai gái.
Cho nên mình cũng không cố gắng tìm hiểu coi con trai hay gái. Mình cũng không ra phòng khám bên ngoài để siêu âm coi như thế nào.
Mình biết rằng nếu mình quá xem trọng trai hay gái thì sẽ ảnh hưởng đến em bé trong bụng rất nhiều.

Kỳ vọng bé trai hay bé gái?

Thật ra con chưa bao giờ đòi hỏi sẽ được ba mẹ sinh ra. Con chính là kết tinh của ba và mẹ. Con là một cá thể sống hoàn toàn độc lập và chắc chắn con không thể nào tự chọn được giới tính cho mình.
Nếu như trong giai đoạn mang thai mà bạn kỳ vọng điều gì đó quá lớn vào con. Chẳng hạn bạn đang mang thai con gái nhưng lại kỳ vọng quá nhiều về việc có một đứa con trai thì sau khi em bé gái đó được sinh ra đời thì cá tính con không được giống con gái cho lắm. Nó mang thiên hướng mạnh mẽ quá thì mất đi vẻ nữ tính, rất tội nghiệp cho con.
Ngược lại với gia đình kỳ vọng và thích con gái nhưng khi sinh ra thì lại là bé trai. Lúc này em bé sẽ không mang một vẻ mạnh mẽ của con trai.
Nếu như bạn kỳ vọng quá nhiều trong thời gian mang thai mà sau này không đạt được kỳ vọng đó thì sẽ ảnh hưởng đến mẹ, đến gia đình và hơn hết là đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Thú thật, bây giờ dù cho đã sinh con ra rồi thì vợ chồng mình cũng chưa hề đặt bất cứ một kỳ vọng nào vào con hết. Chưa bao giờ có suy nghĩ sinh con trai để có thể dựa dẫm hay con sẽ chăm sóc mình khi về già.
Cả hai vợ chồng đều rất đồng tình về suy nghĩ này. Cho nên cuộc sống vợ chồng mình rất thoải mái.
Hiện tại trong xã hội chúng ta kỳ vọng sinh con trai vẫn rất lớn. Nếu bạn lo lắng về vấn đề này thì cố gắng  giải thoát cho bản thân. Đừng quá focus vào vấn đề này. Thay vào đó nên suy nghĩ lại một chút về chuyện tại sao lại muốn có con?  
Mong muốn thực sự khi có con là gì?
Cố gắng trả lời những câu hỏi quan trọng thì từ từ bạn sẽ giải tỏa được căng thẳng của mình.
Mình cũng từng thấy có nhiều gia đình, không phải người chồng muốn có con trai. Hoặc là gia đình nội ngoại hai bên muốn có con trai mà là bản thân người mẹ muốn sinh con trai.
Thực tế là giới tính của con đã được fix ngay tại thời điểm đậu thai rồi. Cho nên muốn sinh con trai hay con gái chính là những kỳ vọng làm ảnh hưởng trực tiếp đến con.
Mỗi đứa con sinh ra đời, dù trai hay gái thì đều có quyền được yêu thương, được tôn trọng như nhau. Nếu như ngay từ đầu bạn đã có một suy nghĩ không công bằng cho con trai và con gái thì sẽ rất tội nghiệp cho con.
Kỳ vọng của bạn có thể làm ảnh hưởng đến cuộc sống của con từ khi trong bụng mẹ cho đến khi con lớn lên.
Tại sao chúng ta lại vô tình hay cố ý làm cho con có một cảm cảm giác bị áp lực từ khi mới xuất hiện đến với thế giới này?
Kỳ vọng sinh con ra để sau này về già có người ở chung, có người chăm lo thì nó nặng nề cho con lắm. Xã hội bây giờ thì khó nói trước được là con trai hay con gái sẽ chăm sóc, lo lắng tốt hơn cho bạn khi về già đâu.
Vì vậy, thay vì việc lo lắng giới tính của con thì nên dành một khoảng thời gian tĩnh lặng để suy nghĩ về việc mục đích khi có con. Tìm ra nguyên nhân, nguồn cội sâu xa của việc lý do thực sự bạn muốn có con là gì?
 

Tam cá nguyệt thứ hai ( Ba tháng giữa thai kỳ)

Đây là khoảng thời gian trăng mật, ít có vấn đề xảy ra hơn. Thời điểm này có thể nhiều bạn đã hết nghén rồi hoặc sẽ đỡ nghén hơn . Cơ thể mẹ đã quen dần với việc mang thai rồi nên sẽ đỡ khó chịu hơn.
 

Số lần cử động của thai nhi (Thai máy)

Giai đoạn này sẽ bị căng vùng bụng và có những cơn gò nhẹ xuất hiện. Bạn sẽ bắt đầu thấy em bé có những chuyển động đầu tiên. Một xu hướng chung là sẽ lên mạng tìm hiểu em bé bao nhiêu tuần thì sẽ cử động lần đầu tiên.
Hoặc là lên hội nhóm để hóng những em bé chung tuần, chung tháng với mình thì như thế nào?
Việc tìm hiểu này có thể gây ra những áp lực hay lo lắng của các mẹ.

Lo lắng về sự cử động của thai nhi

Trường hợp của mình thì có nhiều em bé của các mẹ trên mạng cử động rất sớm. Còn con của mình thì đến khoảng 16 tuần thì mới thấy em bé lượn nhẹ một xíu. Trong suốt thai kỳ của mình thì em bé rất ít hoạt động. Không đạp nhiều, không gò nhiều như những bạn khác….giống như bạn từng được nghe kể hay được thấy trên mạng đâu.
Nhưng từ khi sinh ra đến bây giờ, em bé của mình đã gần một tuổi thì con lại rất năng động, hiếu động. Cho nên đừng đánh đồng chuyện con ở trong bụng như thế nào thì sinh ra con sẽ như vậy. Tại vì mỗi giai đoạn phát triển có thể sẽ khác nhau đối với từng em bé.  
Như mình vừa kể thì em bé của mình cử động rất ít, con chỉ lượn lượn nhẹ thôi. Cho nên nếu như mẹ nào thường hay lo lắng thì bạn sẽ rất sợ, sẽ rất lo.
  • Lo con mình có ít hoạt động quá không?
  • Không biết con có bị sao không?
Nếu bạn đi khám thai có kết quả bình thường. Và nếu như trực giác của một người mẹ cho bạn cảm nhận là con bình thường thì là bình thường chứ không có gì phải lo lắng cả. Chẳng qua có thể khi trong bụng thì con thích ngủ nhiều hơn hoặc con hoạt động nhiều lúc bạn đang ngủ say.  
 

Tiểu đường thai kỳ


Lo lắng bị tiểu đường thai kỳ

Đây là giai đoạn bạn phải đi kiểm tra tiểu đường thai kỳ. Nếu lỡ bị tiểu đường thai kỳ thì chắc chắn bạn phải theo sự chỉ dẫn của bác sĩ về chế độ ăn uống và chăm sóc thai nhi
Nếu trong ba tháng đầu tiên hình dạng em bé chưa rõ ràng cụ thể thì trong giai đoạn này bạn sẽ thấy em bé phát triển rất nhanh, đặc biệt là cấu trúc hình dạng. Những bộ phận trên cơ thể của con dần dần được hình thành một cách rõ nét.
Tuần 13 - 14 mình đã thấy được bàn tay, bàn chân nhỏ xíu của con rồi. Nó trông rất đáng yêu. Lâu lâu đi siêu âm lại bắt gặp hình ảnh con đưa tay lên trên trán lúc ngủ.
 

Dị tật thai nhi

Giai đoạn này thì em bé cũng được khảo sát dị tật. Thú thật mình cũng là một người mẹ bình thường. Mình cũng rất mong đến ngày đi siêu âm để nhìn thấy mặt con. Nhưng khi lên bàn siêu âm rồi thì lại sợ. Mỗi lần bác sĩ dùng máy móc đo thông số gì đó là mình rất hồi hộp, tim cứ đập thình thịch.
Mình không biết con có bình thường hay không? Rồi hồi hộp chờ đợi kết luận của bác sĩ.

Siêu âm dị tật thai nhi

Khi mang thai chúng ta thường hay hồi hộp, lúc siêu âm lại bonus thêm chuyện lo lắng nữa. Lo lắng làm cho tim đập nhanh, rồi khó thở làm cho bác sĩ rất khó siêu âm.
Cho nên bạn cố gắng bình tĩnh, hít thở thật sâu. Đây là cách mình đã áp dụng mỗi khi phải đi siêu âm. Khi bạn bình tĩnh thì bác sĩ sẽ dễ thao tác và đo được chính xác hơn.

Nếu chẳng may trong quá trình tầm soát mà bác sĩ thông báo có trục trặc nào đó với thai nhi thì bạn hãy khoan nản lòng. Mình sẽ kể ra một số trường hợp thực tế trong cuộc sống mà mình đã có dịp chứng kiến sẽ giúp bạn vững niềm tin hơn.
- Câu chuyện đầu tiên là về người thân trong gia đình mình.
Sau khi siêu âm thai thì bác sĩ kết luận xác suất em bé bị bệnh down rất là cao. Tất nhiên để chắc chắn lại thì ba mẹ đã đi khám lại hầu như tất cả các bệnh viện đầu ngành sản ở Tp. HCM. Đáng buồn thay là kết quả thì vẫn giống nhau. Trong nỗ lực tìm kiếm cơ hội thì đã đi khám ở bác sĩ chuyên khoa thần kinh cho em bé thì người ta cũng xác định 99% em bé bị down. Trải qua thời gian đau khổ đấu tranh tâm lý giữa việc giữ lại hay bỏ thai.  Nhiều cuộc họp gia đình đã diễn ra, rất nhiều nước mắt cùng những chuỗi ngày dài sống trong áp lực. Sau cùng thì ba mẹ quyết định giữ lại em bé. Dù con sinh ra như thế nào đi chăng nữa thì vẫn quyết tâm nuôi dưỡng, chăm sóc con đến cùng. Đây là một quyết định táo bạo, rủi ro cũng như thể hiện được tình yêu vô bờ mà ba mẹ dành cho con.
Hiện tại em bé được 9 tuổi rồi. Từ lúc sinh ra em bé khỏe mạnh bình thường, không bị bệnh down và rất thông minh.

Mình không phủ nhận sự phát triển của y khoa. Mình cũng không hề nghi ngờ năng lực phán đoán, khả năng chuyên môn của bác sĩ đâu bạn.
Có lẽ gia đình người thân mình đã may mắn rơi vào xác suất phần nhỏ. Nhưng rõ ràng đó vẫn là thành quả đến từ một quyết định rất khó khăn.
Bác sĩ thăm khám thì sẽ dựa vào thông số hiện thị trên màn hình do máy móc đo lại, chụp chiếu để phân tích và phán đoán tình huống. Bạn là mẹ - người trực tiếp có sợi dây kết nối với con thì bạn sẽ có những cảm nhận riêng cho mình.

Dị tật thai nhi

Trong trường hợp trên, nếu thật sự kết quả đúng như bác sĩ chẩn đoán và phải đình chỉ thai thai kỳ thì là một điều rất buồn. Nhưng nếu lỡ như chẩn đoán không chính xác, em bé bình thường mà vẫn phải đình chỉ thai kỳ thì đó một điều vô cùng đau đớn. Thật sự, mình không dám tưởng tượng đến trường hợp đó luôn.

- Câu chuyện thứ hai thì nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn để lại lo lắng cho người lớn suốt một thời gian khá là dài. Khi siêu âm do em bé ngáp nên bác sĩ tưởng em bé bị sứt môi.
Siêu âm một số lần vẫn ra kết quả như vậy. Nhưng sự thật khi em bé sinh ra lại bình thường, chẳng có vấn đề gì cả….

Trên đây mình chỉ kể ra vài ví dụ điển hình gần gũi với cuộc sống của mình. Có thể đây chỉ là những ca đặc biệt, chiếm tỉ lệ xác suất nhỏ.
Thực tế thì chẩn đoán của bác sĩ luôn luôn có xác suất đúng rất cao. Nói như vậy có nghĩa là vẫn có xác suất không đúng và người đưa ra quyết định cuối cùng vẫn là vợ chồng bạn. Và quan trọng nhất chính là quyết định ở người mẹ.
 

Món ăn không tốt cho mẹ bầu


Thực phẩm có hại cho mẹ bầu

Giai đoạn này hầu hết các mẹ sẽ bớt nghén. Ăn được nhiều món ăn hơn, không phải kiêng cữ nhiều như trong tam cá nguyệt đầu tiên nữa. Cho nên sẽ khó có thể tránh khỏi tình trạng lỡ ăn nhiều quá. Chẳng hạn ăn cay quá, ăn những loại thực phẩm không tốt với số lượng nhiều….
Ăn xong rồi bạn sẽ có cảm giác lo lắng.
Giải pháp hay nhất vẫn là ngăn chặn trước khi nó xảy ra. Cố gắng control bản thân, thay thế thực phẩm không tốt bằng những loại khác có giá trị dinh dưỡng cao và an toàn hơn.
Mình có làm một video về những thực phẩm sử dụng trong thai kỳ, bạn tham khảo thêm nhen. Hoặc bạn cũng có thể tìm kiếm những sản phẩm tốt cho mẹ bầu, cố gắng để gần mình nhất có thể để thuận tiện với tay lấy sử dụng.
 

Rạn da khi mang thai


Rạn da khi mang bầu

Dù cho mang thai hay không mang thai thì phụ nữ vẫn luôn quan tâm về vấn đề sắc đẹp. Mang thai rất dễ bị rạn phần bụng hay phần đùi.
Để hạn chế bớt phần nào tình trạng này thì ngày khi vừa mới mang thai bạn nên sử dụng các sản phẩm trị rạn da, ngừa rạn da như dầu dừa. Tốt nhất là bạn mua được loại dầu dừa nguyên chất. Dầu dừa nguyên chất thì có giá thành khá cao.
Đơn giản hơn thì có thể sử dụng các loại dầu chuyên dụng cho mẹ bầu. Thật ra cũng tùy vào cơ địa từng mẹ. Không phải mẹ nào sử dụng thì cũng sẽ không bị rạn đâu mà có thể nó sẽ đỡ đi phần nào thôi.
Mình đã sử dụng qua nhiều loại và cảm nhận dầu dừa rất ổn. Mình không bị rạn trong suốt thai kỳ luôn. Lý do có thể đến từ một phần do mình không tăng cân nhiều trong giai đoạn mang thai.
Cho nên bạn cũng nên tìm hiểu về dinh dưỡng thai kỳ để giúp cho bản thân không bị tăng cân quá nhiều.
Thông thường khi sinh con xong chúng ta sẽ bị sồ sề hơn, mập hơn. Lý do chính là chúng ta đã bị tăng cân nhiều từ lúc mang thai. Chứ không phải lý do chính là phải ăn nhiều cho con bú đâu. Do đó bạn nên tìm hiểu về dinh dưỡng mẹ bầu như thế nào để giúp cho chúng ta vẫn giữ được dáng trong khi con vẫn lớn, mẹ vẫn khỏe mạnh.
 

Tam cá nguyệt thứ ba (Ba tháng cuối thai kỳ)

Tam cá nguyệt thứ ba thì sẽ có rất nhiều lo lắng và nó đến dồn dập.
 

Cân nặng, chiều cao chuẩn của thai nhi

Em bé nhà mình trong suốt quãng thời gian thai kỳ chỉ nằm trong mức độ tiêu chuẩn không bao giờ vượt chỉ tiêu hết.  Bây giờ, con đã sinh ra rồi, con vẫn vậy. Mình thật sự hài lòng với chuyện đó.
Em bé sinh ra tầm khoảng 3kg là ổn rồi. Mình không có nhu cầu sinh ra một em bé với cân nặng 3.8kg - 4kg. 

Chiều cao và cân nặng của em bé

Trong thời gian khám thai, bác sĩ hay hỏi mình về vấn đề em bé tăng cân ít quá. Em bé không vượt chỉ tiêu gì hết. Em bé không ở mức suy dinh dưỡng nhưng mẹ cũng phải cố gắng ăn vô cho con lớn. Nhưng thật sự mình cũng ăn rất nhiều. Qua phòng bác sĩ tư vấn, bác hỏi về lịch trình ăn uống xong thì bác sĩ cũng không biết phải kê thêm gì cho mình nữa. Sau khi nghe mình trả lời các loại thực phẩm mình ăn thì bác sĩ cũng không hiểu tại sao em bé mình lại không tăng cân nhiều. Bản thân mình cũng tăng cân nhưng cũng không nhiều luôn.
Do đó, bác sĩ chỉ đổi loại thuốc bổ khác cho mình xem như thế nào. . .
Cho nên nếu bạn hài lòng với chuyện cân nặng thai nhi thì không nhất thiết phải cố ép bản thân ăn nhiều để con tăng cân đâu.

Ngoài chuyện thai nhi tăng cân ít thì bác sĩ siêu âm còn hay nói với mình về chuyện vòng đầu của con nhỏ hơn so với mấy bạn. Sinh xong thì rõ ràng vòng đầu con mình hoàn toàn bình thường. Nhiều em bé vòng đầu sẽ to về chiều ngang nhưng con của mình từ khi sinh ra tới giờ đầu thuôn dài.
Có lẽ vì vậy mà khi siêu âm thì chu vi vòng đầu không to như các bạn. Thật sự vẫn hoàn toàn bình thường, không có vấn đề gì cả.
 

Số lần thai máy (Em bé đạp)

Trong 3 tháng cuối thai kỳ thì bác sĩ sẽ rất hay nhắc bạn phải chú ý về cử động thai nhi để đánh giá con đạp nhiều hay ít. Nhiều em bé sẽ đạp rất nhiều nhưng với con mình thì trong bụng con ít hoạt động lắm. Mình cứ có cảm giác con ngủ nhiều. Con không đạp nhiều như trong bảng thông số bệnh viện đưa cho mình tham khảo đâu. Có khi mấy tiếng con mới hoạt động một lần.

Em bé đạp trong bụng mẹ

Thực tế có ngày con hoạt động nhè nhẹ, cứ làm vậy suốt ngày. Có ngày thì lại im ru, chỉ lượn lượn nhẹ thôi.
Thậm chí những tháng cuối thai kỳ cũng ít khi đạp gò bụng mẹ lên. Khi nào mẹ kêu, mẹ giỡn hoặc bên ngoài có tiếng động lớn thì mới đạp gò bụng lên cứng thôi.
Nếu em bé nhà bạn giống con mình nhưng lại làm bạn lo lắng thì có thể đến bệnh viện kiểm tra. Còn nếu bạn cảm nhận được con, biết con không sao thì cũng không cần chạy đến bệnh viện quá thường xuyên đâu. Tại vì siêu âm quá nhiều lần cũng không tốt cho con. 
 
Ngoài ra, đây là giai đoạn sắp sinh em bé nên chúng ta sẽ phải lo rất nhiều chuyện. Chẳng hạn như sợ sinh non, sợ đau đẻ, sợ đẻ mổ….Thậm chí lo lắng cả việc không biết có tới bệnh viện kịp hay không?
Bây giờ thời đại tiên tiến, bạn hoàn toàn có thể chuẩn bị trước. Nếu sợ đến bệnh viện không kịp thì bạn nên tìm kiếm phương án backup trong thời gian mang thai. Tìm hiểu những bệnh viện gần nhà. Chuẩn bị sẵn giấy tờ đi sinh để khi có dấu hiệu đau đẻ thì chỉ cần lấy đi thôi chứ không cần phải lục lọi tìm kiếm. Tại vì dù cho sinh ở bệnh viện nào đi chăng nữa thì vẫn cần phải có một số loại giấy tờ căn bản để bác sĩ thăm khám và theo dõi.
 

Sợ đau đẻ (Sinh thường và sinh mổ)


Sợ đau đẻ

Nếu sinh không đau thì không gọi đẻ đâu bạn. Sinh thường hay sinh mổ thì cũng đau hết. Tuỳ vào phương pháp sinh thì nó sẽ đau vào những giai đoạn khác nhau và cảm giác đau cũng sẽ khác nhau. Đẻ thường thì sẽ đau nhiều khi chuyển dạ và đau nhất là khi rặn con ra. Đẻ mổ thì sẽ đau nhiều sau khi đã sinh xong. Trong quá trình mổ, có thể bạn sẽ gặp tình trạng khó thở giống như bị tụt huyết áp vậy. Dù cho bạn sợ đau như thế nào nhưng chỉ cần thấy con yêu sinh ra đời thì những nỗi sợ đó dường như tan biến.
Đẻ thì sẽ đau nhưng có nhiều người vẫn có thể đẻ, không những vậy mà còn đẻ rất nhiều lần.
 

Rặn đẻ, cách rặn em bé sinh thường


Sinh thường

Mẹ sinh thường
thì sẽ còn lo về việc đau chuyển dạ. Cách rặn như thế nào để cho em bé nhanh ra để giúp mẹ đỡ đau hơn. Bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm thông tin trên các diễn đàn, YouTube, Google…rất rất nhiều.
Nếu tìm kiếm bằng tiếng Việt không giải đáp thoả đáng câu hỏi hỏi của bạn thì có thể tìm bằng tiếng Anh. Search bằng tiếng Anh thì sẽ có nhiều kết quả cho bạn tham khảo hơn.
Trên Youtube cũng có rất nhiều video hướng dẫn cách rặn em bé sinh thường. Bạn nên tìm hiểu trước để chuẩn bị tâm lý một cách kỹ càng.
 

Lo lắng bị "rộng" sau sinh

Sinh thường thì chắc chắn có rất nhiều mẹ sẽ lo về chuyện khi sinh xong mình sẽ bị “rộng”. Có rất nhiều phương pháp để giúp chúng ta cải thiện lại chẳng hạn như hơ lá trầu không, tập Kegel… Cố gắng tập sẽ nhanh hồi phục hơn.
Bạn hoàn toàn cải thiện được dựa trên sự cố gắng tập luyện. Cho nên đừng lo lắng về vấn đề này quá.
 

Tài chính nuôi con và kinh nghiệm chăm sóc em bé sơ sinh


Tài chính nuôi con

Không biết biết bản thân có đủ kinh tế để nuôi con hay không?
Không biết phải chăm sóc em bé sơ sinh như thế nào?
Mình đã làm một số video về cách chăm sóc em bé sơ sinh dựa vào kinh nghiệm bản thân sau một khoảng thời gian chăm con. Nếu còn chưa tự tin thì bạn nên xem qua những video này để có nhiều kiến thức hơn.  

Về Chúng Tôi
Brian & Eve

Hi, chào mừng bạn ghé thăm blog của tụi mình. Mình là Thảo (Eve) và chồng mình là Vũ (Brian). Tổ ấm nhỏ của chúng mình vừa chào đón thiên thần đáng yêu Ralph (2022) sau hơn 4 năm về chung một nhà. Đây là nơi tụi mình sẽ cùng nhau ghi lại những chặng đường phát triển của con và những kinh nghiệm có được trong hành trình làm cha mẹ. Song song đó là những trải nghiệm quanh cuộc sống của một gia đình nhỏ tự lập cùng những vấn đề thường nhật hằng ngày qua lăng kính ĐƠN GIẢN HOÁ mọi việc để giúp bạn tự tin hơn, vui vẻ hơn và hạnh phúc hơn. BE SIMPLE. BE HAPPY & hãy cùng là CONSCIOUS PARENTING cùng chúng mình nhé!

Gửi Bình Luận

Trending on the blog