20 KINH NGHIỆM CHĂM SÓC EM BÉ SƠ SINH: Ba mẹ nào cũng đều nên biết!
- Bài viết hôm nay mình sẽ chia sẻ cho bạn “20 kinh nghiệm chăm sóc em bé sơ sinh” mà mẹ nào cũng đều cần biết để giúp cho quá trình nuôi con được suôn sẻ và dễ dàng nhất có thể.
- Nhìn lại suốt hành trình hơn 1 năm chăm sóc con vừa qua, thì mình tự đánh giá là tụi mình đã thành công nhất có thể trong khả năng của mình. Vợ chồng mình cũng đã chọn được những cách, những phương pháp phù hợp với tình trạng sức khỏe cũng như cơ địa của con.
- Tất nhiên, làm cha mẹ thì chưa bao giờ là dễ dàng. Và việc chăm sóc một đứa trẻ thì chắc chắn không phải lúc nào cũng được suôn sẻ. Cho nên, mình hi vọng bài viết này sẽ giúp cho các bạn có thể tham khảo lựa chọn và linh hoạt thay đổi làm sao cho nó phù hợp với bạn,với con bạn và gia đình của bạn bởi không có ba mẹ nào giống nhau, cũng không có gia đình nào giống nhau và cũng không có đứa trẻ nào giống nhau cả.
Bạn có thể xem full video này tại đây nhen.
Vỗ ợ hơi cho bé
Vỗ ợ cho bé rất quan trọng, đặc biệt là trong 3 tháng đầu để mang lại một giấc ngủ dài và ngon cho con. Khi bé đầy hơi bé sẽ rất đau bụng và quấy khóc nhiều làm rối loạn lịch sinh hoạt. Khi bé khóc nhiều lần trong ngày mẹ sẽ khó nắm bắt được xem bé đang có nhu cầu gì và dễ dẫn đến stress. Nhưng như mình nói thì cũng sẽ có một số trường hợp cá biệt không cần vỗ ợ hoặc có những bé chỉ cần thiết trong vòng 1 tháng hoặc thông thường tầm 3 tháng, cũng có trường hợp cá biệt khác là bé nhà mình cần vỗ ợ hơi đến tận 8 tháng.
Và bạn lưu ý là mỗi em bé sẽ có 1 kiểu ưa thích và có những cách phù hợp riêng giúp bé ợ hơi nhanh hơn. Ví dụ như có những bé vỗ theo nhịp bộp bộp trên lưng khó ợ, nhưng xoa thì ợ dễ ợ hơn. Có bé bế đứng không ợ nhưng bế ngồi sẽ ợ. Có bé phải khom người bế lên thì bé mới ợ.
Vì vậy để biết bé ưa thích cũng như phù hợp với kiểu vỗ ợ hơi nào nào thì mẹ cần thử nhiều cách và theo dõi phản ứng của con.
Các cách vỗ ợ hiệu quả và chi tiết về việc bé bị đầy hơi thì mình đã có 1 video chia sẻ rồi, bạn có thể tham khảo ở đây nhé!
Ngủ ngày cày đêm
Ngủ ngày cày đêm thường xảy ra trong tháng đầu tiên. Lúc này con vừa được sinh ra, vừa mới thay đổi môi trường sống, vẫn chưa phân biệt được ngày và đêm. Tình trạng này thì hầu như em bé nào cũng gặp phải, nếu ba mẹ không giúp bé thoát ra tình trạng này thì để lâu, sẽ càng khó xoay giờ cho con.
Em bé nào ngủ cũng rất đáng yêu nên hầu hết chúng ta đều không nỡ đánh thức con dậy mà cứ để bé ngủ đến khi nào giật mình tỉnh giấc thì thôi. Nếu giấc ngày bạn để bé ngủ quá dài, quá nhiều thì đêm con sẽ thức bù, lâu dần con sẽ quen với nếp sinh hoạt như vậy.
Giải pháp thì đương nhiên là bạn cần giảm giấc ngủ ngày của con và giúp bé phân biệt được ngày và đêm. Em bé nhỏ thì hầu như là cả ngày sẽ ngủ rất nhiều. Để giúp bé có thể phân biệt ngày và đêm thì ban ngày bạn nên cho bé ngủ ở phòng sáng một xíu. Căn phòng có rèm mỏng, ánh sáng dịu vẫn len qua được và có những âm thanh sinh hoạt nhẹ nhàng chẳng hạn như tiếng đóng mở cửa, nấu ăn hay tiếng máy giặt đồ....Tốt hơn hết là cứ làm những công việc thường ngày bình thường, không nên gây tiếng động quá lớn làm bé giật mình, cũng không nhất thiết là phải cố gắng giữ yên tĩnh quá mức. Em bé nhỏ sẽ dễ ngủ lại hơn nên tập cho con giai đoạn này thì sẽ tương đối dễ.
Ban đêm thì nên tạo không gian yên tĩnh và tối cho bé. Tạo ra không gian khác hoàn toàn so với ban ngày.
Trước đây mình có một sai lầm là để đèn ngủ hơi bị sáng bởi vì lần đầu làm mẹ, lo lắng nhiều nên ráng để sáng xíu để quan sát con. Bạn chỉ nên để đền ngủ mờ mờ thôi, cường độ sáng thấp nhưng cũng không nên để phòng tối đen. Không nên mở cửa ra vào liên tục gây ra tiếng động, từ từ bé sẽ phân biệt được ngày và đêm.
Để giảm giấc ngày cho bé thì bạn có thể cân chỉnh dựa trên lịch tham khảo nuôi con theo phương pháp EASY theo từng tháng tuổi. Chỉ xem tham khảo và lấy em bé làm trung tâm, không nhất thiết là phải đúng giờ 100% đâu. Khi gọi con dậy thì bạn nhẹ nhàng kéo rèm cửa lên, tắt máy tiếng ồn trắng hoặc có thể tạo một vài tiếng động với âm lượng vừa đủ để bé dậy. Mỗi ngày bạn nên xoay giờ cho con từng chút, đừng thay đổi giờ giấc quá đột ngột con sẽ mệt và chưa thích nghi được với lịch trình mới.
Ăn uống ra cữ
Nên tạo cho con thói quen ăn ra cữ từ nhỏ để con biết được cảm giác no và đói. Ăn ra cữ giúp con ăn được hiệu quả hơn, không bị tình trạng no ngang, chán ăn.
Để tránh tình trạng con ngủ phải ngậm ti hoặc ngậm bình thì khi cho con ti bình hay ti mẹ thì cố gắng cho con ăn trong trạng thái tỉnh táo nhất có thể.
Đối với em bé sơ sinh khi con ngậm ti thì lại càng hay buồn ngủ hơn, bạn có thể trò chuyện hay tạo những tiếng động nhẹ để con có thể thức uống sữa, hoặc lấy khăn thấm nước lau để con tỉnh táo.
Có nhiều quan điểm liên quan đến vấn đề này, nhiều mẹ sẽ cho rằng làm như vậy là ác, con buồn ngủ không cho ngủ ,đặc biệt là những mẹ theo trường phái chăm con theo kiểu truyền thống. Nhưng bạn nên biết rằng dù là trẻ nhỏ hay người lớn thì có đủ một giấc ngủ dài và ngủ sâu là rất quan trọng.
Bạn cứ thử tưởng tượng đi ngủ trong trạng thái đói sẽ khó chịu thế nào? Nếu cơ thể chúng ta đang đói thì làm sao có một giấc ngủ trọn vẹn được?
Do đó, khi em bé còn nhỏ, con chưa biết, chưa ý thức được điều này thì ba mẹ phải hướng dẫn và tập cho con.
Nếu không tập cho con hình thành thói quen này sớm thì khi con lớn hơn một chút thì bạn sẽ cảm nhận được nó ảnh hưởng đến con và mẹ đến mức nào. Con cứ ngủ một tí xíu là lại phải ngậm ti. Đến giai đoạn cai ti mẹ rất khó và tội nghiệp con.
Đương nhiên thì không nhất thiết cữ bú nào cũng phải giữ cho con tỉnh táo, đặc biệt là cữ giữa đêm (dreamfeed). Cữ này thì con sẽ vẫn nhắm mắt và ti sữa để đủ năng lượng ngủ tiếp.
Khi bạn đã tập cho con ti ra cữ sẽ giúp cho bé dễ ngủ xuyên đêm được sớm, giấc ngủ trọn vẹn và ban ngày sẽ ti sữa hiệu quả.
Có nhiều bạn lo lắng chuyện con không ăn đêm là không lớn được. Thật ra cái này thì khoa học đã chứng minh rồi, khi tích đủ năng lượng ban ngày thì có thể ban đêm con không cần ăn thêm. Cả ăn và ngủ đều là hai nhu cầu thiết yếu của trẻ nhỏ, đặc biệt là giấc ngủ đêm đóng vai trò rất lớn trong việc phát triển của con.
Còn về khoảng thời gian giữa các cữ ăn thì sao?
Điều này sẽ tuỳ vào nhu cầu của con, có bé thì khoảng 2 tiếng, có bé thì 3 tiếng.... Nếu thấy con ngủ được giấc ngắn, cứ khoảng 1 - 2h là con dậy đòi ăn thì bạn nên tăng sữa lên từ từ (khoảng 10ml) cho mỗi lần con ti và quan sát xem tổng lượng sữa mỗi lần bú bao nhiêu sẽ phù hợp với con.
Trong suốt hành trình chăm con thì em bé nhà mình bị đầy hơi, colic và nhiều gas trong người. Mỗi cữ bú con không ti được nhiều sữa như các bạn, nhưng thành công lớn nhất của mình là tập cho con ti ra cữ từ nhỏ. Dù con cai ti đêm và ngủ xuyên đêm chậm hơn các bạn nhưng con đã là phiên bản tốt nhất của con rồi.
Mình rất thông cảm với những mẹ có con có cơ địa giống em bé nhà mình. Đối với những em bé nôn trớ thì để tập cho con rất là khó. Mình nói là khó thôi nhưng không có nghĩa là không thể. Nhưng bạn nên chú ý đừng nhìn vào tổng ml sữa của những em bé khác mà áp đặt cho con. Mỗi em bé có nhu cầu và cơ địa khác nhau nên con rất cần được mẹ hiểu và có cách chăm sóc phù hợp.
Thói quen sinh hoạt
Nên tạo cho con có thói quen sinh hoạt ăn, chơi, ngủ phù hợp với cơ địa và nhu cầu của con. Quãng thời gian đầu sau khi chào đời thì con mình bị đầy hơi và quấy khóc rất nhiều. Thêm vào đó thì mình thực sự không biết và chưa hiểu con nên giờ giấc đảo lộn, mọi thứ rối tung lên. Mặc dù con đã ăn ra cữ rồi nhưng khi đi ngủ thì bị tình trạng đầy hơi . Do đó nếu ăn xong mà hoạt động một chút thì có thể hơi sẽ thoát được một phần nào đó ra bên ngoài. Mặc dù em bé nhiều khí gas, đầy hơi nhiều thì dù có chơi trước khi ngủ thì vẫn bị hơi lên nhưng nó cũng sẽ giảm đi được ít nhiều.
Đối với những em bé trào ngược và em bé bị đầy hơi thì tạo thói quen sinh hoạt ổn định là rất quan trọng.
Giống như ăn và ngủ thì nhu cầu chơi của từng em bé cũng khác nhau. Tương tự thì bạn có thể tham khảo lịch sinh hoạt theo tháng tuổi qua những tài liệu nuôi con EASY. Tham khảo vẫn chỉ là tham khảo, đừng so sánh, áp đặt mà nên cân chỉnh để tạo nên một lịch trình phù hợp riêng cho con.
Đối với những em bé nhỏ mặc dù giờ chơi rất ít nhưng bạn cũng đừng nên bỏ qua vì sẽ dễ dẫn đến tình trạng ngủ ngày cày đêm như mình nói ở trên.
Em bé không phải robot, không phải ngày nào cũng như ngày nào nên đừng rập khuôn và ép con. Có hôm con sẽ muốn ăn nhiều hơn, ngủ nhiều hơn hay chơi nhiều hơn một chút. Và có những hôm ngược lại chứ không chính xác hoàn toàn giờ giấc. Chúng ta phải nương theo con và điều chỉnh, nhưng cố gắng đừng để lịch sinh hoạt đi lệch quá là được.
Nếu nhỡ có lệch 1 - 2 hôm thì phải cố gắng xoay lại con nhưng xoay dần dần từng chút nhé.
Hiểu tiếng khóc của con
Cố gắng hiểu tiếng khóc của con và bình tĩnh khi con khóc. Sẽ không có cuốn sách hay tài liệu nào khẳng định được em bé khóc như thế này thì em bé bị gì và em bé khóc như thế kia thì bị cái khác. Tất cả chỉ là dự đoán "có khả năng". Chỉ có em bé của bạn sẽ cho bạn biết điều đó. Mỗi tiếng khóc trẻ con sẽ báo hiệu rằng con đang muốn một cái gì đó và tiếng khóc của mỗi em bé thì sẽ khác nhau. Nếu trong 3 tháng đầu đời của con mà bạn vẫn chưa phân biệt được tiếng khóc để phán đoán ra nhu cầu của con thì sẽ khó khăn hơn trong những tháng tiếp theo.
Chẳng hạn như bé nhà mình tiếng khóc khi đói phát ra giống chữ “nga nga nga…”. Khi đầy hơi thì sẽ ưỡn người, co chân, đỏ cả người lên và khóc rất đau đớn, khóc liên tục. Khi bỉm dơ thì con khóc ít vì mình thường xuyên thay bỉm cho con. Ngoài ra, khi bỉm dơ thì con khóc với âm lượng nhỏ, không mang cảm giác đau đớn hay đỏ người như bị đầy hơi.
Sau 3 tháng thi những âm thanh này dường như không khác nhau nhiều như hồi sơ sinh. Khác biệt lớn nhất ở đây là bé đã lịch sinh hoạt khá ổn rồi nên mẹ cũng có thể hiểu được nhu cầu của con.
Khi con khóc bạn đừng vội vàng đưa ti vào miệng con mà phải bình tĩnh kiểm tra một số trường hợp cơ bản sau:
- Con có lạnh không?
- Con có nóng không?
- Con có đổ mồ hôi nhiều quá không?
- Môi trường xung quanh có ồn không?
- Bỉm có bị dơ không?
- Con có đói không?
Em bé khóc là việc rất đỗi bình thường. Bé chỉ khóc đâu đó khoảng 1 - 2 phút thì hoàn toàn không vấn đề gì. Điều quan trọng ở đây là bạn đừng nên quá lo lắng, đừng cuống quá. Mẹ không bình tĩnh có thể ảnh hưởng không tốt đến con. Bằng chứng là khi bạn nóng giận hay bực bội thì dù không la bé nhưng bế con trong những lúc đó con sẽ khóc nhiều hơn.
Thời gian tắm bé sơ sinh
Thời gian chơi của em bé sơ sinh trong những tháng đầu rất ngắn. Nếu bạn có thuê dịch vụ tắm bé tại nhà thì theo kinh nghiệm của mình thì nên massage nhanh và tắm bé luôn hoặc bỏ qua giai đoạn massage và cho con tắm luôn. Massage cho bé bạn có thể sắp xếp thực hiện ở những thời điểm khác trong ngày. Điều này nhằm mục đích tránh trường hợp massage và tắm trong thời gian lâu quá, ảnh hưởng tới giờ ăn ngủ của con.
Nếu đêm con ngủ không ngon thì bạn có thể chuyển giờ tắm cho bé sang buổi chiều. Trước khi có em bé thì mình đã biết đến thông tin này rồi nhưng vẫn còn lăn tăn vì sợ tắm chiều sẽ lạnh con. May mắn là phòng tắm nhà mình khá kín gió, mình quyết định cho con tắm buổi chiều thì giấc ngủ đểm của con ổn hơn.
Đối với những gia đình nhiều thế hệ, cụ thể là bạn đang sống với ông bà lớn tuổi thì vấn đề cho con tắm vào buổi tối khá là nan giải. Bạn có thể nhờ chồng giải thích với ông bà trong vấn đề này để đảm bảo "trên thuận dưới hoà" trong việc chăm sóc em bé.
Thường xuyên xoa bụng và thực hiện động tác đạp chân cho bé
Nên thường xuyên xoa bụng quanh rốn theo chiều kim đồng hồ và thực hiện bài tập đạp xe bằng 2 chân cho bé để giúp bé đỡ đầy hơi, dễ đi vệ sinh, ngủ ngon và ăn hiệu quả hơn.
Bé lâu ngày mới đi vệ sinh
Nếu bạn thấy lâu ngày bé không đi vệ sinh, có thể 7-10 ngày hoặc hơn thì nguyên nhân có thể do “giãn ruột sinh lý ở trẻ” hoặc cơ địa em bé. Thông thường bé vào giai đoạn 2 - 3 tháng tuổi sẽ giãn ruột sinh lý, đường ruột của con sẽ tăng kích thước so với bình thường nên nó sẽ chứa được nhiều phân hơn. Vì vậy, có thể bé sẽ mất nhiều thời gian hơn để có thể tiêu hoá thức ăn ra ngoài. Tuỳ em bé, có bé 7-10 ngày, có bé hơn mười ngày, nếu phân vẫn đẹp, không có dấu hiệu táo bón hay quấy khóc nhiều thì mẹ không cần lo lắng. Không đi vệ sinh trong nhiều ngày nhưng phân bình thường, con vui chơi bình thường thì không phải là táo bón. Em bé bị táo bón thì phân sẽ xanh đen và có những dấu hiệu khó chịu đi kèm khác.
Có những em bé lâu ngày mới đi vệ sinh nhưng nguyên nhân chính là thuộc về cơ địa. Khi mình tìm hiểu thì được bác sĩ giải thích là do bé có một phần khúc ruột phát triển chưa hoàn chỉnh. Hiện tại mình mỗi ngày vẫn phải bổ sung những món nhuận trường để giúp con dễ đi vệ sinh hơn, chẳng hạn như chuối, sữa chua, khoai lang,…Sữa thì phải dùng dòng sữa công thức mang tính tiêu chảy một tí. Mình thường bổ sung sữa chứa sữa non cho bé.
Nếu bạn có con rơi vào trường hợp này và lo lắng thì có thể bổ sung các loại men lợi khuẩn. Lưu ý ở đây là không phải bé nào cũng hợp với những loại men này. Bé nhà mình sử dụng qua khá nhiều loại men nhưng đều không hiệu quả. Mình đành chấp nhận đợi con lớn hơn và vẫn luôn phải bổ sung thực phẩm nhuận trường mỗi ngày.
Bé vặn mình
Bé vặn mình, rướn người là tình trạng bình thường. Mẹ không cần thực hiện phương pháp dân gian gì cả. Khi lớn lên thì dần dần bé sẽ tự hết không nên tìm cách làm bớt lông măng trên người con, không nhổ lông, không làm những biện pháp tẩy lông cho con.
Tuần khủng hoảng (Wonder Weeks)
Thường trong những tuần wonder weeks con khủng hoảng do phải học kỹ năng mới, mẹ có thể sử dụng app này để xem nên cùng con tập kỹ năng nào khi con thức, hỗ trợ con hết mức, khi con thành thạo đúng kỹ năng phát triển đó, con sẽ qua tuần khủng hoảng nhanh hơn, mẹ hiểu con hơn, và thường sau những đợt này con sẽ phát triển vượt bậc, đương nhiên là không có cảm giác nào vui bằng thấy con phát triển hơn từng ngày.
Không cho bé dưới 6 tháng tuổi uống nước (bé uống sữa mẹ)
Trong 6 tháng đầu thì trẻ sơ sinh không cần uống nước. Vấn đề này đã được tranh cãi một khoảng thời gian dài rồi. Thực tế con mình trong 6 tháng chỉ uống sữa mẹ chứ không uống giọt nước lọc nào cả .Trong thành phần sữa mẹ có chứa một phần lớn là nước nên bạn không cần bổ sung thêm nước lọc. Hơn nữa nếu cho con uống trực tiếp sẽ không biết được nguồn nước đó có đủ sạch hay không bởi vì giai đoạn này thì đường ruột và tiêu hoá con còn non nớt, rất dễ bị tổn thương.
Đối với sữa mẹ vắt ra thì bạn sẽ thấy có 2 phần rất rõ rệt là sữa đầu và sữa cuối. Sữa đầu rất loãng chứa chủ yếu là nước cho bé đỡ khát còn sữa cuối thì đặc chứa nhiều dinh dưỡng giúp trẻ tăng cân.
Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi uống sữa công thức hoàn toàn thì bạn cần hỏi thêm ý kiến bác sĩ. Tuy nhiên nếu cho bé uống nước quá mức có thể khiến trẻ bị ngộ độc nước uống. Trẻ em dưới 6 tháng tuổi thì nhẹ kí và việc nạp quá nhiều nước có thể khiến cho nồng độ Natri trong máu bị giảm, các chất điện giải trong máu bị pha loãng gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Ti mẹ hết một bên mới chuyển sang bên còn lại
Khi bé ti mẹ thì nên cho bé ti hết một bên rồi mới ti sang bên còn lại. Bởi vì ti kiệt từng bên thì bé mới nhận được sữa đầu và sữa cuối. Nếu trẻ chỉ uống được sữa đầu thì bé chỉ đỡ khát thôi chứ sữa này không cung cấp đủ dinh dưỡng để con cảm thấy no, không tăng cân được và con sẽ không ngủ được dài. Còn đối với mẹ thì sẽ bị giảm sữa, kích sữa được hiệu quả.
Nếu muốn có nhiều sữa hơn thì sau khi cho con ti bạn nên kích thêm bằng máy hút sữa trong vòng 10 phút. Hành động này như để gửi tín hiệu đến cơ thể mẹ là bé cần nhiều sữa hơn, dần dần sẽ tiết được nhiều sữa hơn.
Ti mẹ hay ti bình
Ti mẹ hay ti bình là phụ thuộc vào dự định nuôi con của từng mẹ và sự hợp tác của bé. Nhưng nếu có thể thì bạn nên tập cho bé ti mẹ và ti bình song song để thuận tiện hơn trong việc nhờ chồng chăm sóc khi muốn nghỉ ngơi hoặc có việc bận.
Chỉnh khớp ngậm đúng khi ti mẹ
Tranh thủ nghỉ ngơi
Nên tranh thủ nghỉ ngơi ngay khi có thể để sữa về nhiều hơn và có đủ năng lượng để chăm con. Em bé có sự phát triển rất nhanh và mỗi ngày lại là một trải nghiệm rất là mới cho người chăm sóc.
Mình biết là khi con ngủ sẽ có rất nhiều việc bạn cần làm hay muốn làm. Nhưng kinh nghiệm thực tế chăm con của mình là khi nào bạn tranh thủ ngủ được tí nào thì hãy cứ ngủ vì chăm con nhỏ sẽ là một hành trình dài và vất vả. Thiếu ngủ, mệt mỏi, căng sữa, thiếu sữa sẽ làm cho bạn rất stress.
Chọn đúng bỉm cho bé
Bé sơ sinh trong tháng đầu sẽ đi vệ sinh nhiều. Để tiết kiệm bạn có thể chọn tã dán Bobby và kem hăm Aquaphor mình đã từng giới thiệu trong video trước. Khi em bé được tầm 2 tuần tuổi hay lớn hơn một xíu thì bạn có thể chọn những dòng khác như tã dán Merries, Moony… giá sẽ cao hơn nhưng form rộng, đỡ khuyết và có đường báo tã dơ. Bạn sẽ đỡ phải tháo ra tháo vô kiểm tra làm mất giấc ngủ của con. Khi con chuẩn bị sang giai đoạn tập lật thi bạn nên sử dụng tã quần vì tã dán giai đoạn này sẽ rất khó mặc.
Lưu ý khi dán bỉm cho bé
Dán bỉm cho bé sơ sinh có 2 giai đoạn mà bạn cần lưu ý là khi chưa rụng tốn và đã rụng rốn. Chưa rụng rốn thì nên lật phần lưng xuống rồi mới dán, bé đã rụng rốn rồi thì không cần, bạn cứ dán như bình thường.
Đồ chơi cho bé sơ sinh (0 - 3 tháng)
Dù con còn nhỏ nhưng đồ chơi cho bé là không thể thiếu, hiệu quả nhất trong giai đoạn này là đồ chơi thẻ hình đen trắng và thẻ màu hai mặt. Đây là dạng đồ chơi sử dụng được lâu và bé rất thích. Theo từng giai đoạn phát triển thì ban đầu bé chỉ nhận biết được màu đen trắng, sau đó là đen trắng đỏ và tầm 5 tháng tuổi thì bé sẽ biết nhiều màu sắc hơn.
Ngoài ra, đồ chơi treo cũi cũng có thể áp dụng theo từng khoảng độ tuổi nhận biết màu sắc để mua cho bé. Bạn có thể lựa chọn đồ chơi Handmade trên Shopee giá sẽ rẻ hơn. Dạng đồ chơi này thì bé không chơi lâu nên không cần mua đắt tiền quá.
Thuốc hạ sốt cho trẻ
Bạn nên trang bị ít nhất là một cái nhiệt kế trẻ em ở nhà và một số loại thuốc hạ sốt cho bé theo cân nặng và tháng tuổi của con. Bạn có thể hỏi bác sĩ, dược sĩ ở cá tiệm thuốc tây hoặc tự tìm hiểu trên mạng và chuẩn bị trước để đỡ phải lo lắng hơn.
Em bé thì rất hay bị sốt và nếu bị sốt thì thường sẽ sốt nhiều lần trong ngày. Nguyên nhân sốt thì có rất đa dạng. Sốt vì vi khuẩn, virus. Sốt vì mọc răng.....Nếu lỡ con bị sốt thì bạn nên bình tĩnh theo dõi, quan sát thêm những triệu chứng khác để tìm ra hướng xử lý hiệu quả cho con. Em bé nhỏ thì chắc chắn sẽ gặp rất nhiều vấn đề nên chúng ta cần phải bình tĩnh trước mọi việc mới có thể đưa ra những quyết định sáng suốt được.
Kiến thức cấp cứu sặc sữa
Bạn nên trang bị cho bản thân về những kiến thức cấp cứu sặc sữa hoặc trào sữa ra mũi. Đối với những bạn lần đầu làm mẹ khi đọc những bài viết như thế này hoặc nói đến vấn đề này thì chúng ta sẽ rất là lo sợ. Nhưng thực tế cho thấy, đây là một tình huống có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cho nên bạn phải trang bị kiến thức quan trọng này cho bản thân cũng như là những người tham gia vào quá trình chăm sóc em bé. Bởi vì nếu làm sai phương pháp cấu cứu thì chỉ trong vòng vài phút thôi là đã rất nguy hiểm cho con rồi. Trong trường hợp con bị sặc sữa hoặc ọc sữa ra mũi thì bạn hãy luôn nhớ trong đầu là: “Đặt con trong tư thế nằm nghiêng, không bế đứng con lên vai”. Đây là phương pháp đã được chia sẻ rất nhiều trên mạng. Trước khi mình xuất viện về nhà thì bác sĩ và điều dưỡng cũng đã hướng dẫn trước cho mình.
Trên đây là 20 kinh nghiệm mà mình đã đúc kết được sau nhiều tháng chăm sóc con. Nếu bạn đang chuẩn bị sinh em bé hoặc vừa sinh em bé xong thì có thể xem những cái tips này để lựa chọn những phương pháp phù hợp với bản thân.
Ngoài ra nếu bạn có thêm những kinh nghiệm nào thì có thể để lại ý kiến bên dưới cho mình biết nhé!
Cám ơn bạn đã dành thời gian ghé thăm blog của mình. Chúc bạn một ngày thật ý nghĩa.
Be simple. Be happy.