Logo Brian & Eve Family | Be simple. Be happy
Chăm sóc bé sơ sinh

Kinh Nghiệm Vỗ Ợ Hơi Cho Bé: Hiểu Con Để Mang Lại Hiệu Quả Tối Ưu

25/05/2024
Kinh Nghiệm Vỗ Ợ Hơi Cho Bé: Hiểu Con Để Mang Lại Hiệu Quả Tối Ưu
Chào bạn,
 
Bài viết hôm nay mình sẽ chia sẻ về vấn đề đầy hơi ở trẻ sơ sinh. Đồng thời gợi ý cho bạn ba cách vỗ ợ hơi hiệu quả mà mình thường áp dụng cho em bé. Đây là những trải nghiệm và là kinh nghiệm thực tế của mình - một bà mẹ có con bị tình trạng đầy hơi, colic, có nhiều khí gas trong người trong suốt hơn 8 tháng từ lúc con được sinh ra.
Có thể về mặt chuyên môn thì mình không thể nào hay, không giỏi bằng những bác sĩ, y tá, điều dưỡng…. mà bạn đã được xem, được thấy ở đâu đó. Nhưng mình tin chắc rằng những kinh nghiệm của mình sẽ giúp ích được cho bạn rất nhiều trong vấn đề này. Đặc biệt là với những mẹ nào đang trong tình trạng con quấy khóc rất nhiều vì bị đầy hơi. Để giúp giảm thiểu tình trạng đầy hơi ở trẻ thì trải nghiệm thực tế của một bà mẹ đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
 
Các bạn có thể xem video tại đây nhé:
 


Dấu hiệu em bé bị đầy hơi

Dấu hiệu em bé bị đầy hơi

Làm sao để chúng ta biết được là em bé có bị đầy hơi hay không?

Dấu hiệu đầu tiên là con quấy khóc rất nhiều và bạn đã chắc chắn là con khóc không phải vì đói, bỉm dơ, nóng lạnh của nhiệt độ môi trường…Những em bé này thường không có một giấc ngủ dài, một giấc ngủ trọn vẹn như các bạn đồng trang lứa. Con chỉ ngủ được tầm 15 - 30 phút là bắt đầu dậy khóc. Con khóc đỏ người, ưỡn người và co 2 chân lên giống như muốn tống hơi ra bên ngoài.
Em bé nhà mình cũng trải qua tình trạng này trong suốt nhiều tháng trời. Cho nên mình hoàn toàn rất hiểu và cảm thông với bạn. Chăm sóc con khi con vướng phải tình trạng này thì ba mẹ sẽ rất là mệt mỏi.
Em bé bị đầy hơi thì sẽ bị đau bụng, khó chịu vì con không tự ợ được như người lớn chúng ta. Con không nói được, chỉ biết khóc để bớt khó chịu, khóc báo hiệu cho mẹ biết để mẹ dỗ dành. Khóc để mong mẹ làm cách nào đó giúp con đỡ đau hơn.
Dấu hiệu thứ hai là em bé bị nấc cụt.
Dấu hiệu số ba là con bị nôn trớ.
 

Nguyên nhân làm cho em bé bị đầy hơi.


Nguyên nhân làm cho em bé sơ sinh bị đầy hơi

Có một số nguyên nhân gây ra tình trạng đầy hơi cho trẻ sơ sinh.
Đầu tiên, em bé vô tình bị nuốt phải hơi trong quá trình ti mẹ hoặc ti bình. Về mặt lý thuyết thì ti bình sẽ bị nuốt nhiều hơi hơn là ti mẹ. Nhưng mà đối với em bé của mình thì ti mẹ hay ti bình thì con cũng bị đầy hơi rất nhiều. Vấn đề bị đầy hơi ở mức độ nào là phụ thuộc vào cơ địa từng em bé. Tình trạng đầy hơi ở trẻ thì rất phổ biến. Dù cho em bé của bạn ti mẹ đúng khớp ngậm. Bạn đã cầm bình cho con uống sữa đúng cách. Bạn lựa chọn các loại bình sữa chống đầy hơi tốt nhất thì cũng chỉ giảm thiểu được việc em bé nuốt phải hơi thôi chứ không thể nào tránh tình trạng này một cách hoàn toàn được.
Nguyên nhân kế tiếp là do hệ tiêu hóa của các con chưa phát triển hoàn chỉnh. Dạ dày em bé lúc này đang nằm ngang.
Nguyên nhân số 3 là do em bé khi còn nhỏ chỉ biết nằm thẳng thôi. Cho nên xác suất con bị nuốt hơi khi ti sữa cũng xẩy ra cao hơn.  
Khi chăm con, mệt mỏi về mặt thể chất, chúng ta rất khó kiềm chế được cảm xúc bản thân để xử lý tình huống một cách nhẹn nhàng. Tuy nhiên với những lý do khách quan mà mình vừa phân tích ở trên sẽ giúp cho bạn phần nào hiểu được con hơn. Bạn cứ cố gắng giữ bình tĩnh để có thể chăm sóc con được tốt hơn. Bởi vì con sẽ không thể nhỏ lại một lần nữa để mẹ có thể nâng niu, ôm ấp hay giúp đỡ con trong những việc mà con không thể nào tự làm được.
 

Cách giảm tình trạng đầy hơi


Cách giảm tình trạng đầy hơi ở trẻ sơ sinh

Vậy, nếu lỡ em bé bị đầy hơi thì có cách nào để giúp con có thể giảm thiểu hoặc loại trừ luôn tình trạng này hay không?

Mình đã từng áp dụng 3 cách và nó mang lại khá nhiều hiệu quả cho em bé.
  • Giúp con xì hơi ra bên ngoài.
    • Mẹ xoa tay theo chiều kim đồng hồ xung quanh vùng rốn của bé. Sau đó thì kết hợp với động tác đạp xe cho con.
  • Vỗ ợ hơi cho con
  • Kiểm soát chế độ ăn kiêng cho mẹ.
Nên lưu ý những loại thức ăn mà mẹ ăn vào cơ thể. Có nhiều loại thực phẩm sau khi được chuyển hoá trong cơ thể mẹ thì có thể tiết qua sữa mẹ cho con. Có những loại dưỡng chất làm tăng mức độ đầy hơi của em bé. Mặc dù chỉ là một phần rất nhỏ thôi nhưng nếu có thể thì mẹ có thể giảm bớt những loại thực phẩm này để cho con giảm tình trạng đầy hơi.
 

Cách vỗ ợ hơi hiệu quả.


Cách vỗ ợ hơi hiệu quả cho trẻ sơ sinh

Mình sẽ hướng dẫn 3 cách mà mình thường vỗ ợ hơi cho con. Mình thấy nó rất hiệu quả.
Khi thực hiện vỗ ợ hơi cho bé thì có 2 phần quan trọng mà bạn cần đặc biệt quan tâm: tư thế vỗ và thao tác vỗ.
Tư thế vỗ ợ hơi thì có 3 tư thế: em bé bế đứng, em bé ngồi và em bé nằm sấp.
 

Vỗ ợ hơi cho bé theo tư thế bế đứng.


Vỗ ợ hơi theo tư thế bế đứng

Khi em bé đang nằm trên nệm, đầu kê trên gối khi vừa mới uống sữa xong. Bạn khom người cúi xuống, đưa con áp vào người mình rồi ngồi thẳng lên. Bạn tham khảo lại video cách bế em bé để làm động tác này để đảm bảo an toàn và thành thạo nhé. Tại vì cổ em bé sơ sinh còn rất là yếu. Nếu bạn lỡ thao tác sai thì nguy hiểm cho con. Nếu vô ý mặt con đập vô khung xương ngực của ba mẹ thì con sẽ rất là đau.
Đối với cách vỗ ợ này, có những video trên mạng thì người ta hay đưa mặt em bé lên trên vai mẹ và để quay mặt con sang một bên. Theo kinh nghiệm của mình thì cách này sẽ làm được với những em bé từ 2 tháng trở lên. Còn với em bé sơ sinh thì bạn chỉ nên đưa mặt con áp vô ngực mình thôi. Bạn phải xoay mặt con sang một bên để có thể nhìn thấy rõ mặt con.
Tại sao mình lại đề xuất như vậy?
Tại vì khi em bé còn nhỏ nếu bạn bế vỗ ợ theo cách đưa mặt con cao lên phần vai của mình thì chắc chắn sẽ không thấy được mặt con.
Bạn sẽ không thể nào biết được mình đã để em bé đúng vị trí hay chưa?
Mũi em bé có bị tì vô vai mẹ hay không?
Em bé có bị ngạt thở hay tím tái gì không?
Ngoài ra, đối với em bé sơ sinh thì không nên ẵm đi tới đi lui mà chỉ nên ngồi vỗ ợ thôi. Khi ẵm đi tới đi lui mà vô tình vấp phải gì đó thì rất nguy hiểm cho con.
 

Vỗ ợ hơi cho bé theo tư thế ngồi.


Vỗ ợ hơi cho bé sơ sinh theo tư thế bé ngồi

Bạn đưa một bàn tay ra tạo thành hình chữ V (ngón cái tách biệt với 4 ngón còn lại).  Phần chữ V được tạo thành từ ngón cái và ngón trỏ. Phần này bạn để ngay ở cằm em bé, tức là ngay xương quai hàm và giữ chặt ở vị trí này. Tuyệt đối không được đưa xuống sâu phần cổ của con để tránh trường hợp làm ngạt hơi thở của bé. Tay còn lại đỡ phần thân sau của con, hỗ trợ từ từ cho bé ngồi dậy. Khi em bé ngồi dậy là mình coi như đã set up xong tư thế vỗ ợ hơi em bé ngồi rồi.
Nếu bạn nhát tay hơn thì có thể thử theo một cách khác của mình. Khi đang ẵm con nằm ngang thì bạn có thể nghiêng người một chút. Bạn đỡ phần đầu con lên từ từ để tạo nên tư thế giống với tư thế ngồi. Nếu làm theo cách này thì em bé sẽ không thể nào ngồi quá thẳng hoặc hơi gập người về phía trước được đâu. Em bé chỉ có thể ngồi hơi lài lài đầu hơi cao hơn so với bình thường thôi.
 

Vỗ ợ hơi tư thế bé nằm sấp


Vỗ ợ hơi cho trẻ sơ sinh theo tư thế bé nằm sấp

Tư thế này khá giống với tư thế cho bé ngồi. Bạn phải để tay hình chữ V, giữ cố định phần xương quai hàm của con (phần cằm). Với sự hỗ trợ bàn tay còn lại, bạn từ từ cho bé nằm xuống tư thế nằm sấp. Khi bạn đang ngồi trên ghế thì nên bắt chéo chân sẽ tạo nên thế một chân cao và một chân thấp hơn. Nó sẽ tạo nên mặt phẳng có một độ nghiêng nhất định để con nằm lên trên chân của bạn.
Mình rất ít khi sử dụng tư thế này để vỗ ợ hơi cho con nhưng thật sự nó rất hiệu quả. Khi vỗ ợ cho con sử dụng 2 tư thế bên trên mà con không ợ thì mình đành phải chuyển sang tư thế này thì em bé lại dễ ợ. Trở ngại lớn nhất của tư thế này là nó khó. Mẹ nào nhát tay thì sẽ khó thao tác. Hơn nữa khi em bé vừa mới uống sữa no mà để em nằm sấp xuống thì chúng ta sẽ khá là lo lắng. Thú thật, khi vỗ ợ với tư thế này mình hơi bị run tay. Tại vì em bé sơ sinh thì chưa được cứng cáp. Em bé rất là mềm. Cảm giác nó lỏng lẻo lắm. Cho nên hầu hết chúng ta sẽ không tự tin để mà vỗ ợ cho con theo tư thế này.
Mình có một cách khác để giúp cho bạn đỡ sợ hơn. Khi đang bế con tư thế nằm ngang thì bạn cố gắng làm sao xoay lưng con áp vào bụng mẹ và mặt con hướng ra ngoài. Đầu con nằm tựa lên khuỷu tay mẹ. Bàn tay mẹ để ngay vị trí bỉm của con. Bạn phải chú ý xoay mặt con hướng ra ngoài để đảm bảo con không bị ngạt. Khi mọi thao tác đã ổn áp thì bạn từ từ lật con lại để tạo nên tư thế nằm sấp bên trên mình vừa phân tích. Khi con đã nằm ổn định rồi thì bạn bắt đầu thực hiện các thao tác vỗ ợ hơi như bình thường.
 

Thao tác vỗ ợ hơi cho bé sơ sinh
 

Khum tay lại vỗ


Cách khum tay khi vỗ ợ hơi cho bé sơ sinh

Thao tác vỗ ợ
mà bạn sẽ thường thấy và hay được sử dụng nhất đó là tư thế khum tay. Bạn khum tay lại. Các ngón tay phải khít với nhau, cố gắng càng có ít lỗ hổng thì càng tốt. Mục đích là tạo nên “bàn tay kín gió” như cánh buồm hoặc con diều. Khi vỗ ợ với bàn tay như vậy thì sẽ hiệu quả và con không bị đau.

Vậy thì chúng ta sẽ vỗ ở đâu?

Vị trí sau lưng con, ngay giữa xương 2 bả vai là nơi chúng ta nên vỗ vào. Khi mới thực hiện thao tác vỗ thì nó có vẻ khó nhưng làm được một khoảng thời gian thì bạn sẽ quen dần thôi.
Đối với nhịp vỗ thì bạn nên vỗ nhịp chậm và đều. Đừng cố gắng vỗ nhanh quá thì sẽ không mang lại hiệu quả. Cứ thao tác vỗ chậm và đều đều theo nhịp.

Còn về lực vỗ thì sao?

Nên vỗ với lực vừa phải, không quá mạnh, cũng không quá nhẹ. Khi vỗ ợ mà bạn thấy người em bé hơi run lên thì đã vỗ đúng lực rồi. Nếu vỗ nhẹ quá thì không hiệu quả. Còn nếu vỗ mạnh quá thì đau con mà cũng không mang lại hiệu quả đâu.  
 

Vỗ ợ bằng cách xoa lưng 


Vỗ ợ bằng cách xoa lưng theo chiều kim đồng hồ cho bé

Thao tác vỗ ợ thứ 2 là thao tác xoa lưng em bé thành hình vòng tròn. Bạn cứ xoa lưng cho con theo chiều kim đồng hồ quay.
 

Vỗ ợ bằng cách vuốt lưng cho bé


Vỗ ợ bằng cách vuốt lưng từ dưới lên cho bé

Thao tác vỗ ợ bằng cách vuốt lưng bé từ dưới lên.  
Ngay phần rốn của con, bạn chiếu sang phần lưng để chọn vị trí đặt tay mép dưới phần sau lưng con. Từ vị trí này, bạn chọn phần bên trái lưng con để đặt tay. Bạn vuốt ngược một đường thẳng lên. Đường thẳng này sẽ đi qua vị trí dạ dày của con. Khi bạn lặp đi lặp lại thao tác vuốt từ dưới lên thì phần hơi sẽ thoát lên trên và em bé sẽ ợ được.
 

Làm sao để biết em bé phù hợp với tư thế và thao tác vỗ ợ nào?

Tuỳ thuộc vào thời gian chăm sóc con cũng như là độ hiểu con của bạn. Bản thân mình cũng phải mất một khoảng thời gian thì mới tìm ra được phương pháp phù hợp cho con. Trong suốt quá trình chăm sóc con, lắng nghe con thì từ từ bạn sẽ biết được như thế nào là phù hợp với con của mình.
 

Thắc mắc liên quan đến vấn đề vỗ ợ hơi ở trẻ

Có một số thắc mắc mà có rất nhiều mẹ băn khoăn.
 

Thời gian vỗ ợ sẽ kéo dài trong bao lâu?


Thời gian vỗ ợ hơi là trong bao lâu?

Theo kinh nghiệm của mình thì thông thường thời gian vỗ ợ sẽ kéo dài từ 10 - 20 phút, tùy vào cơ địa của con. Tuy nhiên, có một số em bé chỉ cần vỗ ợ trong tầm 1 - 2 phút là đã ợ rồi. Cũng có một số trường hợp cá biệt khác. Em bé nhà mình rơi vào trường hợp này. Một cữ vỗ ợ cho con phải kéo dài từ  30 - 35 phút. Nếu con đang ngủ mà con khóc thì mình vẫn phải bế lên và vỗ ợ tiếp cho con.
 

Có phải tất cả các cữ uống sữa đều cần vỗ ợ cho bé?

Câu trả lời là tùy. Có nhiều cữ mình không vỗ ợ cho con. Những cữ đêm khi thấy ti xong, con chìm vào giấc ngủ rồi thì mình không bế con lên để vỗ ợ làm gì hết. Cho nên là không phải nhất thiết cữ nào chúng ta cũng phải vỗ ợ hơi cho bé đâu. Khi bé đang ngủ say mà bạn đưa lên vỗ ợ hơi thì vô tình lại làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của con.
 

Thời điểm để vỗ ợ hơi cho bé?


Thời điểm để thực hiện quá trình vỗ ợ hơi cho bé

Có ba thời điểm có thể vỗ ợ hơi cho bé: trước, trong và sau khi ăn. Trong khi đang ti sữa mà con có dấu hiệu đẩy bình ra và khóc thì mình sẽ thực hiện thao tác vỗ ợ hơi cho con. Sau đó thì mới đặt con nằm xuống uống sữa tiếp. Nếu như giữa cữ ăn mà con không khóc thì bạn nên để con uống hết cữ sữa như bình thường. Tại vì nếu em bé đang ti sữa mà chúng ta tạm dừng, đưa con lên vỗ ợ thì có thể lúc đặt xuống lại thì con sẽ không tiếp tục uống sữa nữa.
 

Vỗ ợ hơi nhưng con không ợ thì phải làm sao?

Đây là một điều mà mình cũng từng băn khoăn rất là nhiều. Sau đó mình nhận ra rằng khi đã kết thúc khoảng thời gian vỗ ợ hơi như thông thường rồi mà con không ợ thì có thể là cữ đó con không nuốt phải hơi hoặc là bọt khí nằm ở sâu quá, nó chưa được đẩy lên thì con không ợ được. Trường hợp này thì sau khi vỗ ợ, dù con có ợ được hay không thì cứ đặt con đi ngủ bình thường. Nếu con chưa ợ được thì chắc chắn giữa cữ ngủ con sẽ khóc. Lúc đó bạn ẵm con lên thì con sẽ ợ được thôi.
 

Có phải em bé nào cũng cần được vỗ ợ hơi hay không?

Nếu như con bạn đang ăn ngon, ngủ tốt, không có dấu hiệu quấy khóc bất thường thì không cần thiết phải vỗ ợ hơi đâu. Chỉ trong trường hợp em bé có một số dấu hiệu của việc bị đầy hơi thì mới cần vỗ ợ cho con thôi. Thông thường sẽ có khoảng từ 90 đến 95% em bé sơ sinh cần phải được vỗ ợ. Tại vì trong những tháng đầu đời, dạ dày em bé đang nằm ngang. Cho nên con rất dễ bị đầy hơi. Do đó cần phải được vỗ ợ để có thể ngủ được ngon hơn.
 

Lời kết


Chăm sóc em bé sơ sinh

Khi chưa có con thì mình cứ nghĩ đầy hơi ở trẻ sơ sinh là một vấn đề rất bình thường. Nhưng khi con đã chào đời, con quấy khóc nhiều. Những cữ ngủ của con rất ngắn vì bị đầy hơi, nhiều khí gas trong người, bị colic… Con rất khó chịu và đau đớn. Trông rất là tội nghiệp. Sau một khoảng thời gian dài tìm hiểu, bình tĩnh quan sát và lắng nghe con thì mình mới tìm được cách để giúp xoa dịu bớt đi phần nào sự khó chịu cho con. Mình đã dần dần tìm được đáp án cho các câu hỏi như:
Tư thế vỗ ợ hơi nào phù hợp với con?
Thao tác vỗ ợ nào phù hợp với con?
Thời gian vỗ ợ hơi nên kéo dài trong bao lâu?
Thời điểm nào nên vỗ ợ cho con?

Mỗi em bé sẽ có những vấn đề cơ địa cũng như tính cách khác nhau. Do đó, ba mẹ cần phải cố gắng hết sức bình tình, chú ý quan sát, lắng nghe và gần gũi con để có thể hiểu được con muốn gì? Con cần ba mẹ làm điều gì cho con?
 

Về Chúng Tôi
Brian & Eve

Hi, chào mừng bạn ghé thăm blog của tụi mình. Mình là Thảo (Eve) và chồng mình là Vũ (Brian). Tổ ấm nhỏ của chúng mình vừa chào đón thiên thần đáng yêu Ralph (2022) sau hơn 4 năm về chung một nhà. Đây là nơi tụi mình sẽ cùng nhau ghi lại những chặng đường phát triển của con và những kinh nghiệm có được trong hành trình làm cha mẹ. Song song đó là những trải nghiệm quanh cuộc sống của một gia đình nhỏ tự lập cùng những vấn đề thường nhật hằng ngày qua lăng kính ĐƠN GIẢN HOÁ mọi việc để giúp bạn tự tin hơn, vui vẻ hơn và hạnh phúc hơn. BE SIMPLE. BE HAPPY & hãy cùng là CONSCIOUS PARENTING cùng chúng mình nhé!

Gửi Bình Luận

Trending on the blog