Logo Brian & Eve Family | Be simple. Be happy
Chăm sóc bé sơ sinh

Bế Em Bé Đúng Cách: 8 Tư Thế Mà Ba Mẹ Nào Cũng Nên Cần Biết

12/01/2024
Bế Em Bé Đúng Cách: 8 Tư Thế Mà Ba Mẹ Nào Cũng Nên Cần Biết
Xin chào mọi người và các bạn,
 
Nếu như bạn lần đầu làm cha mẹ hoặc đang bối rối, không tự tin về việc bế con thì trong bài viết hôm nay mình sẽ chia sẻ cho các bạn những cách bế em bé thông dụng, dễ thực hiện mà mình đã đúc kết được sau hơn một năm chăm sóc con.
 

Các bạn có thể xem video tại đây:
 

 

Cần lưu ý gì khi bế em bé?

 Những cách bế em bé thì sẽ phụ thuộc vào ba yếu tố chính:

  •  Tùy theo từng tháng tuổi của con.

  •  Tuỳ vào độ cứng cáp của từng em bé.
  •  Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà chúng ta sẽ lựa chọn cách bế nào sao cho nó thật là phù hợp.

Cách bế em bé từ giường, nệm hoặc cũi lên 

Cách bế em bé từ giường, cũi lên

Đầu tiên mình sẽ hướng dẫn cho mọi người và các bạn cách bế em bé từ giường nệm hoặc từ cũi lên.
Bạn sẽ sử dụng một tay của mình luồn vào phần đầu và phần cổ của con. Tay còn lại sẽ đỡ phần mông của con. Trong trường hợp luồn tay không được thì các bạn có thể sử dụng tay còn lại nghiêng người con một chút xíu và lấy tay luồn xuống phần đầu, phần cổ của con. Khi xong bước này rồi thì tay còn lại sẽ đặt ở phần dưới mông của con. Cúi người xuống, áp con lên người của bạn, rồi từ từ ẵm con lên.
Đối với em bé sơ sinh và trong những tháng đầu tiên thì xương của các con chưa được cứng cáp nên cần phải đặc biệt chú ý đến phần đầu, phần cổ và phần lưng. Tất cả những tư thế bế chúng ta luôn phải để ý theo trục dọc này.
 

Tư thế bế em bé quốc dân - cho em bé ti


Tư thế bế em bé quốc dân, bế cho bé bú

Tư thế thứ nhất là một tư thế rất thông dụng mà mình thấy hầu hết ai ai cũng bế, nhà nhà đều bế. Mình sẽ gọi tư thế này là “tư thế quốc dân”.
Với tư thế này thì mẹ sẽ phần đầu em bé nằm trên khuỷu tay của mẹ. Tay phải hay tay trái thì tùy các mẹ nha. Bàn tay mẹ sẽ giữ ở phần hông của con. Tay còn lại sẽ đỡ phần mông và phần lưng của con. Tư thế này sẽ rất là an toàn cho bé. Em bé sẽ cảm giác được trấn an. Cảm thấy được hơi ấm từ người mẹ. Khi em bé khóc mà bạn cần dỗ thì bạn cũng có thể bế em bé ở tư thế này.
Tư thế này sẽ cực kỳ phù hợp khi mẹ cho em bé ti mẹ hoặc ti bình.
Tư thế này có một ưu điểm nữa là bạn có thể bế em bé cho đến khi em bé khá là lớn.
Tuy nhiên nhược điểm của tư thế này là nếu như bế lâu thì sẽ khá là mỏi. Khi bế tư thế này thì phần vai của chúng ta ở bên cánh tay đỡ phần đầu con thường có xu hướng đưa cao hơn một chút. Khi đưa cao như vậy thì bế hơi lâu một tí là bạn sẽ mỏi.
 

Tư thế bế em bé ngủ và đi chơi


Tư thế bế em bé ngủ và đi chơi

Thay vì cho phần đầu của con nằm lên khuỷu tay của mẹ thì các bạn có thể sử dụng bàn tay bàn tay của mình đỡ phần cổ, phần đầu con. Phần lưng của con sẽ nằm trên cánh tay của mẹ. Nếu như con hơi dài người một chút thì các bạn để 2 chân con sang 2 bên. Không nhất thiết phải để 2 chân của con lên trên cánh tay của chúng ta đâu. Em bé trong những tháng đầu thì phải đặc biệt phải chú ý trục dọc phía trên còn 2 chân để sang 2 bên thì không thành vấn đề. Khi đỡ con xong thì đưa con sang một bên. Tay còn lại sẽ ôm ở phần hông của con.
Tư thế này sẽ có một ưu điểm là các bạn sẽ bế con được trong một khoảng thời gian rất là lâu. Những em bé hay khóc, thích được ba mẹ bế thì chắc chắn bạn phải sử dụng tư thế này thì mới có thể bế con lâu được. Còn với tư thế khi nãy thì chúng ta chỉ cần bế một chút thôi là đã mỏi lắm rồi.
Nhược điểm của tư thế này là nếu như con lớn hơn một chút, dài hơn một chút. Phần lưng con dài hơn tay ba mẹ thì chắc chắn chúng ta sẽ không bế được theo tư thế này nữa.
Tư thế này thì cũng không có thể cho con ti mẹ hoặc là ti bình.
Nó chỉ phù hợp khi bế con ngủ hay bế đi chơi. Trong những trường hợp khác thì chúng ta sẽ không sử dụng bế kiểu này.
 

Bế em bé theo tư thế đứng (áp vào người mẹ)


Bế em bé theo tư thế đứng (áp vào người mẹ)

Nó sẽ giống như với tư thế vỗ ợ mà mình đã giới thiệu trong bài viết trước cho tất cả mọi người.
Bạn sẽ cho con nằm lên trên phần ngực của mẹ và xoay mặt con sang một bên.
Với tư thế này thì chúng ta không nên sử dụng lâu bởi vì phần xương của các con chưa có được cứng. Cho nên là rất hạn chế bế đứng như thế này.
Nếu muốn bế đứng thì bạn phải cho con tựa vào người mình. Đừng đưa lên vai. Nếu đưa lên vai thì phần xương của con nó hơi cong. Cho nên các bạn phải để con nằm nằm áp sát vô người mẹ và giữ thật là chắc chắn. Giữ một tay ở phần đầu và một tay ở phần ở dưới mông của con.
Tư thế này sẽ sử dụng nhiều khi bạn cần vỗ ợ hơi cho con. Trong trường hợp bạn muốn chuyển sang một tư thế bế khác thì bạn cũng có thể sử dụng tư thế này như là một bước chuyển đổi.
 

Bế em bé một tay theo tư thế nằm ngữa


Bế em bé một tay theo tư thế nằm ngữa

Nó khá giống với cách số 2 đó là các bạn sẽ đỡ đầu và cổ của con bằng bàn tay của mình. Phần lưng của con sẽ nằm trên cánh tay. Tay còn lại sẽ không phải đỡ gì ở con hết.
Cách bế này ở Việt Nam rất rất là hiếm thấy. Hầu như là bạn sẽ không thấy ai bế luôn. Nhưng mình thấy các bác sĩ nước ngoài bế rất nhiều. Có khá là nhiều ông bố bế tư thế này.
Em bé của mình thì trong tháng đầu tiên, ba bế thế này và em bé rất rất là thích. Mặc dù là bạn thấy nó có vẻ không được an toàn cho lắm.
Nhược điểm của tư thế này là khi con lớn hơn thì phần lưng con dài hơn thì sẽ không sử dụng cách bế này được nữa. Hoặc là em bé trong giai đoạn biết hoạt động hơn một chút thì bế tư thế này cũng sẽ rất khó. Những người có thể bế được tư thế này là những người phải có bàn tay, cánh tay phải to, dài và phải khỏe thì mới có thể bế con được.
Nên tư thế này khá là kén người bế.
Ưu điểm là bạn sẽ dư ra một tay để có thể làm việc gì trong nhà mà bạn muốn. Tư thế này rất là dễ đổi tay. Bạn dễ chuyền qua lại giữa 2 tay với nhau.
 

Tư thế bế em bé nằm sấp


Tư thế bế em bé nằm sấp

Cách bế số năm thì giống tư thế mà mình đã chia sẻ với các bạn trong bài viết vỗ ợ hợi cho em bé đó là tư thế nằm sấp. Tư thế này các bạn sẽ cố gắng làm sao xoay phần người của con, lưng của con áp vào bụng của mẹ. Để tay ở phần phần bỉm của con và lật úp con xuống, xoay mặt con sang một bên.
Tư thế này sẽ đặc biệt phù hợp với những em bé bị Colic và những em bé khóc không lý do, khóc rất nhiều, khóc dỗ không được. Khi bế ở tư thế này con sẽ ít khóc hơn rất nhiều. Rất nhiều em bé sau khi chuyển sang tư thế này thì không còn khóc nữa. Thật sự thì khoa học cũng chưa giải thích lý do tại sao.  Nhưng mà nếu như em bé của bạn quấy khóc, khóc không lý do, khóc quá nhiều mà dân gian người ta gọi là khóc dạ đề. Thì bạn thử bế tư thế này thì con sẽ rất là dễ chịu, ít khóc và ít quấy hơn.
Nhược điểm của tư thế này thì chắc chắn rồi. Khi lật up xuống đối với em bé nhỏ thì chúng ta sẽ khá là sợ và không được tự tin cho lắm. Nhưng lỡ như nếu con khóc quá thì chúng ta phải tìm cách làm cho con đỡ khóc. Do đó chúng ta cũng sẽ phải làm, làm từ từ rồi sẽ quen.
 

Bế em bé theo tư thế ngồi


Bế em bé theo tư thế ngồi

Cách bế số sáu là bế bé theo tư thế ngồi.
Bạn sẽ sử dụng một bàn tay của mình đỡ phần trước ngực của con, 4 ngón tay (trừ ngón cái) sẽ đặt ở bên dưới nách của con. Tay còn lại đỡ phần mông của con. Tư thế này với những em bé lớn hơn, đặc biệt là trong giai đoạn tập ngồi thì các con cực kì, cực kì thích. Tuy nhiên các bạn không nên bế tư thế này khi các con còn quá nhỏ. Đặc biệt là những em bé chưa tập ngồi. Thông thường thì khi em bé tầm 5-6 tháng thì người ta sẽ bế cách này. Đối với những em bé không được cứng cáp lắm thì các bạn từ từ hẵng bế tư thế này. Tại vì nếu mà phần xương của con không giống các bạn khác, con còn yếu, hơi yếu mà bạn bế tư thế này thì sẽ không tốt chút nào cho phần xương của con.
 

Bế em bé theo tư thế bế vác


Bế em bé theo tư thế bế vác

Cách bế số 7 thì khá là giống với tư thế vỗ ợ mà mình đã từng hướng dẫn cho các bạn ở dạng bế đứng. Thay vì để con nằm lên người mình thì khoảng tầm 8 – 9 tháng thì các bạn có thể đưa con lên trên vai. Đây gọi là tư thế bế vác. Với tư thế này thì khi em bé được tầm 8-9 tháng thì bạn có thể bế em bé được. Lúc này phần xương của các con cũng đã cứng cáp hơn rồi. Các bạn cũng không cần lo lắng lắm.
Tư thế này thì em bé sẽ cảm thấy dễ chịu và thích thú trong giai đoạn này hơn. Tại vì con sẽ chuẩn bị bước vào giai đoạn tập đứng, tập đi. Khi được đưa lên cao thì con sẽ rất là thích.
 

Tư thế bế em bé bế nách, ẵm nách


Tư thế bế em bé bế nách, ẵm nách

Cách bế cuối cùng là cách bế mà mình nghĩ là rất rất nhiều bạn biết đến. Các bạn thường hay được nghe với tên gọi là bế nách hoặc là ẵm nách.
2 phần chân của con sẽ dang ra đưa vào phần thân của mẹ ở bên hông. Con sẽ nằm gần ở phần nách của mẹ. Mẹ giữ con bằng một tay.
Tư thế này thì thông thường sẽ bế những em bé trên một tuổi. Tuy nhiên là cũng tùy vào từng em bé. Em bé của mình thì hơn một tuổi rồi nhưng mà mình rất hiếm khi bế nách con, chắc chỉ được 1- 2 lần thôi. Thời gian bế rất ngắn. Nhiều em bé tầm một tuổi đã đứng hoặc đi được rồi. Nhưng cũng có nhiều em bé thì không. Cho nên dựa trên mức độ phát triển của con mình như thế nào mà các mẹ lựa chọn cách bế cho phù hợp.
Có khá nhiều tranh cãi liên quan đến việc bế nách, ẵm nách. Nếu bế nách sớm thì sẽ ảnh hưởng đến phần xương háng của con. Có thể làm cho con đi chân vòng kiềng. Cho nên không nên bế nách con quá sớm đâu. Bế nách thì chúng ta sẽ đỡ mỏi hơn nhưng mà sẽ rất là tội nghiệp cho con, nếu lỡ như mà con có một chút khuyết tật nhẹ gì đó liên quan đến việc đi lại nó không được đẹp lắm.
Ngoài ra cũng có một số thông tin về việc nếu như bế nách hoặc là ẵm nách sớm cho bé trai thì sẽ ảnh hưởng đến tinh hoàn của con. Những vấn đề gì mà mình thấy nó đang gây tranh cãi hoặc là chưa có thông tin chính thống thì mình sẽ cố gắng hạn chế nhất có thể hoặc là cho nó không xuất hiện trong cuộc đời của con mình luôn. Cha mẹ nào cũng không bao giờ muốn những điều không tốt cho con cả.
Một thông tin khác mà mình tham khảo trên các diễn đàn là mẹ không có bế nách sớm cho con mà lại đợi đến hai mươi mấy tháng thì khi bế nách con không hợp tác. Khi con đi thì con bị chụm 2 chân lại. Thông tin này thật sự mình cũng không biết nó có đúng hay không? Theo quan điểm của mình thì đừng nên bế nách sớm cho con và cũng đừng nên bế quá trễ. Các bạn bạn có thể đợi con tầm một tuổi hơn một chút hoặc là khi thấy con đã đi lại okay rồi thì bạn có thể bế nách cho con được rồi.
 

Cách đặt em bé xuống giường, cũi


Cách đặt em bé xuống giường, cũi

Khi đang bế em bé mà bạn muốn đặt em bé xuống thì bạn sẽ từ từ cúi người xuống như là lúc chúng ta bế em bé lên. Nhẹ nhàng hạ em bé từ từ và đặt em bé xuống. Rút tay ở phần mông ra trước. Sau đó tay ở phần mông sẽ đỡ phần đầu của con. Rút tay ở phần đầu con ra. Từ từ để con nhẹ nhàng xuống phần nệm bên dưới.
Trong trường hợp bạn đang bế bé trong tư thế mà đầu bé nằm trên khuỷu tay của mình. Bạn có thể để con nhẹ nhàng xuống.  Từ từ khum người chung với con. Rút tay ở phần mông ra. Tay ở phần mông sẽ đỡ lên đầu của con và nhẹ nhàng rút tay trên phần đầu ra rồi bạn đặt con xuống nệm.
 

Chuẩn bị gì trước khi bế em bé?


Chuẩn bị gì trước khi bế em bé?

Em bé là một đối tượng rất là mẫn cảm và cần rất nhiều sự nhẹ nhàng. Cho nên có một số lưu ý khi trước khi bé con.
Chúng ta phải có một bàn tay sạch sẽ. Trên mặt cũng nên sạch sẽ luôn. Tại vì nếu những bộ phận này bị dơ, lỡ đụng vào con thì con sẽ bị nổi đỏ lên, rất là tội nghiệp.
Thứ 2 là chúng ta không nên sử dụng đồng hồ hay là vòng lắc tay. Trong khi bế con có thể sẽ làm đau con.
Thứ ba là đối với những ông bố khi mà bế con thì nên tháo phần thắt lưng ra. Nó có thể sẽ vô tình đụng vào phần chân của con. Da em bé sẽ rất là mỏng. Nó có thể sẽ làm cho con bị trầy xước hoặc chảy máu.
Cuối cùng thì mình muốn nhắn nhủ với tất cả mọi người là bế con không phải là việc riêng của các bà mẹ mà còn là của các ông bố nữa. Việc bế con, đặc biệt trong những lần đầu tiên nó sẽ không dễ dàng nhưng mà nó cũng không quá khó khăn đâu. Nếu như chúng ta có đủ tình yêu thương với con. Chúng ta có đủ tinh thần trách nhiệm và ý thức được việc này là của mình chứ không phải của riêng ai hết. Nếu các bạn thực hiện việc này thường xuyên thì chúng ta sẽ thành thục thôi.

Về Chúng Tôi
Brian & Eve

Hi, chào mừng bạn ghé thăm blog của tụi mình. Mình là Thảo (Eve) và chồng mình là Vũ (Brian). Tổ ấm nhỏ của chúng mình vừa chào đón thiên thần đáng yêu Ralph (2022) sau hơn 4 năm về chung một nhà. Đây là nơi tụi mình sẽ cùng nhau ghi lại những chặng đường phát triển của con và những kinh nghiệm có được trong hành trình làm cha mẹ. Song song đó là những trải nghiệm quanh cuộc sống của một gia đình nhỏ tự lập cùng những vấn đề thường nhật hằng ngày qua lăng kính ĐƠN GIẢN HOÁ mọi việc để giúp bạn tự tin hơn, vui vẻ hơn và hạnh phúc hơn. BE SIMPLE. BE HAPPY & hãy cùng là CONSCIOUS PARENTING cùng chúng mình nhé!

Gửi Bình Luận

Trending on the blog