Chuẩn Bị Đồ Sơ Sinh Từ A Đến Z: Bé Ăn Và Bé Mặc (Part 1/4)
Bài viết hôm nay thì mình sẽ giúp bạn có thể tự tạo nên một bảng Newborn Checklist, một danh sách mua sắm đồ sơ sinh đầy đủ, cần thiết và tuỳ biến để phù hợp với bản thân từng người.
Bạn không cần phải mua theo bất kỳ ai. Không cần một danh sách dài ngoằng của bất cứ cửa hàng mẹ và bé nào, với hàng tá thứ mua về không dùng đến, còn những thứ cần thì lại không có.
Để có thể tạo nên một bảng Newborn Checklist hoàn hảo và phù hợp với bản thân thì mình hi vọng bạn sẽ không bỏ qua đoạn nào trong bài viết này. Tại vì có thể ban đầu bạn dự định như vậy nhưng khi sinh con xong thì bạn cảm thấy nó không phù hợp nữa. Cho nên hãy đọc thật kỹ để có thể lưu lại khi bạn cần.
Đây là một series rất tâm huyết của mình. Nó rất là chi tiết và hơi dài. Mình sẽ chia thành 4 phần và đây sẽ phần đầu tiên. Nếu có nơi nào sử dụng lại chất xám của mình thì mình rất hi vọng là hãy ghi lại nguồn một cách rõ ràng nhé.
Các bạn có thể xem video tại đây nhé:
Các bước lên danh sách mua sắm đồ sơ sinh
Bước1: Trả lời 3 câu hỏi quan trọng
Bước đầu tiên để có thể lên được danh sách mua sắm đồ sơ sinh là bạn hãy trả lời 3 câu hỏi sau để có thể khoanh vùng và xác định được những thứ bạn thực sự sẽ cần:
- Bạn dự định nuôi con bằng sữa gì? Sữa mẹ hoàn toàn? Sữa công thức hoàn toàn hay là sữa mẹ kết hợp cùng với sữa công thức?
- Bạn sẽ cho con uống sữa theo hình thức nào? Ti mẹ trực tiếp hoàn toàn? Ti bình hoàn toàn hay là ti mẹ trực tiếp và ti bình song song?
- Bạn dự định cho bé ngủ chung hay ngủ riêng?
Bước 2: liệt kê thành 5 nhóm: ăn, ngủ, mặc, vệ sinh và đồ dùng cho mẹ bé
Bước thứ 2 là liệt kê thành 5 nhóm chính: bé ăn, bé ngủ, bé mặc, bé vệ sinh và những đồ dùng khác cho mẹ và bé.
Bước 3: liệt kê sản phẩm theo từng danh mục
Bước 4: lựa chọn thương hiệu và sản phẩm cụ thể
Trong trường hợp này thì bạn chỉ cần trả lời 3 câu hỏi trong bước đầu tiên thôi, phần còn lại mình sẽ giải quyết cho bạn trong series bài viết này.
Chuẩn bị đồ sơ sinh cho bé mặc
Mục đầu tiên sẽ là “bé mặc”. Trong bài viết kinh nghiệm chọn mua đồ sơ sinh trước đây mình đã chia sẻ khá là kỹ về mục này rồi. Ở đây mình sẽ tổng kết lại một chút xíu cho bạn. File excel danh sách mua đồ sơ sinh mình sẽ để ở cuối bài viết này để bạn có thể tải về tham khảo.
Về số lượng cũng như những sản phẩm cần mua bạn có thể điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu bản thân. File mình đã chỉnh sửa sẵn nên bạn có thể in ra nếu cần.
Quần áo mua cho em bé sẽ chia thành 2 giai đoạn: chưa rụng rốn và đã rụng rốn rồi.
Áo Kimono
Nó có 2 lớp, lớp bên trên và lớp bên dưới. Nó sẽ giữ ấm ở phần trước ngực cho em bé được tốt hơn .Nó cũng không cạ vô phần rốn của em bé. Đối với những dạng áo này thì bạn có thể mua từ 4 – 5 cái.
Bodysuit cho bé
Nếu em bé dưới 2.9kg thì bạn có thể mua size Newborn. Nếu em bé trên 2.9kg thì bạn nên mua size từ 0 - 3 tháng.
Bodysuit thường sẽ được bán theo set, một set từ 3 – 5 cái. Bạn có thể mua từ 1 – 2 set.
Quần rời sơ sinh
Áo Gile em bé
Sleepsuit cho bé
Nếu bạn thích em bé mặc những loại đồ này giống mình thì có thể mua tầm từ 1 – 2 cái thôi. Như vậy cũng là đã quá đủ rồi.
Nón, bao tay, bao chân em bé
Đối với những cái nón rời thì bạn có thể mua tầm 3 cái. Bao tay, bao chân thì bạn nên mua tầm 5 bộ vì em bé đôi khi đi vệ sinh thì thường hay đạp tay, đạp chân thì có thể làm dơ phần bao tay, bao chân nhiều. Cho nên mua tầm 5 bộ, còn nón thì tầm 3 cái là được rồi. Đây là số lượng mình nghĩ là vừa đủ để sử dụng. Tuy nhiên nó còn phụ thuộc vào lịch giặt giũ, điều kiện thời tiết khí hậu khi bạn sinh con nữa. Do đó bạn nên cân chỉnh một chút xíu, làm sao cho nó phù hợp với gia đình của bạn. Có 2 videos mình nghĩ là bạn nên xem trước khi bạn mua trong phần bé mặc này. Video thứ nhất là “kinh nghiệm chọn mua đồ sơ sinh” và video số 2 là “review các thương hiệu quần áo đã dùng cho em bé nhà mình” . Sau khi xem xong 2 videos này thì bạn có thể lựa chọn mua sau.
Chuẩn bị đồ sơ sinh cho bé ăn
- Bạn dự định nuôi con bằng sữa gì?
- Bạn sẽ cho con uống sữa theo hình thức nào?
Trong bảng excel đồ sơ sinh mẫu mà mình để cuối bài viết thì khi nhìn vào bạn sẽ thấy cột đầu tiên là cột số thứ tự, cột số 2 là tên sản phẩm. Mình sẽ chia ra 3 trường hợp: bú sữa mẹ hoàn toàn, sữa mẹ dặm thêm sữa công thức và sữa công thức hoàn toàn. Trong danh mục nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn thì bạn có thể cho con uống sữa theo ba hình thức khác nhau: ti mẹ trực tiếp hoàn toàn, ti mẹ ti bình song song hoặc là ti bình hoàn toàn.
Trong bảng này thì mình làm thêm một cột để giải thích lý do tại sao nên mua hoặc là không nên mua và nên mua như thế nào. Rồi sẽ đến một cột là số lượng và sản phẩm recommend, link mua bạn có thể tham khảo và link review những sản phẩm mà mình đã từng sử dụng.
Dựa trên bảng excel thì mình sẽ phân tích từng sản phẩm để cho bạn dễ hiểu hơn.
Bình sữa em bé
Cho dù bạn dự định nuôi con theo hình thức nào đi nữa thì cũng nên chuẩn bị trước 2 bình sữa cho bé. Tại vì không ai có thể biết trước được là sau khi sinh xong thì sữa có về kịp cho bé bú không? Hoặc là sinh xong thì có tình huống gì ngoài ý muốn không? Ví dụ như bản thân mình sinh xong phải nằm phòng hồi sức lâu thì em bé cũng phải cần được cho ti trong thời gian đó. Mình đề xuất bạn nên mua những loại bình sữa có tốc độ chảy chậm thôi. Ngay từ đầu bạn chưa biết cá tính của em bé như thế nào thì nên mua những loại chảy chậm cho nó an toàn, đỡ nguy cơ sặc sữa. Bạn nên mua 2 bình sữa. Sản phẩm recommend là 1 bình sữa Hegen và 1 bình sữa Philips Avent. Bình sữa Philips Avent bạn nên mua size 125ml và bình sữa Hegen bạn nên mua size 150ml, không nên mua size 60ml vì em bé tăng ml nhanh lắm. Link mua thì bạn có thể tham khảo trong file excel danh sách đồ sơ sinh của mình. Có một video mình đề xuất bạn nên xem trước khi mua bình sữa cho bé là video “review các loại bình sữa đã từng sử dụng cho bé nhà mình”.
Sữa công thức
Bạn nên mua 5 thanh sữa meiji, sữa thanh này nó sẽ tiết kiệm tiền cho bạn hơn. Tại vì mang theo sữa bột mà sử dụng không hết sẽ rất là phí. Sữa thanh thì nó dễ hòa tan hơn sữa bột, ít bị vón cục hơn, thuận tiện để mang theo khi chuẩn bị giỏ đồ đi sinh. Nếu sau này bạn có ý định cho con uống thêm sữa công thức thì mua thêm sau.
Cốc hứng sữa
Mình thấy ít ai recommend sản phẩm này nhưng nếu bạn có dự định nuôi con bằng sữa mẹ và cho con uống theo hình thức ti mẹ trực tiếp thì bạn nên mua.
Tại vì khi bạn cho con ti mẹ trực tiếp, một bên con ti thì bên còn lại sẽ bị chảy sữa. Nếu bạn dùng khăn lau thì mỗi cữ bú sẽ ướt tầm 2 – 3 khăn sữa là bình thường. Trong trường hợp này sẽ hơi phí lượng sữa mất đi. Còn nếu bạn dùng ly chén hay một vật gì đó để hứng lượng sữa chảy ra bên còn lại thì sẽ rất phức tạp và bất tiện. Lý tưởng nhất là sử dụng cốc hứng sữa. Cốc này sử dụng áp lực âm để có thể hít vào ngực của bạn. Bạn không cần phải dùng tay để giữ. Cốc này có 1 cái nắp để đậy lại và 1 cái đế để cho bạn có thể để lên mà không bị đổ. Sử dụng phụ kiện này thì bạn sẽ thu được một lượng sữa ngay khi bạn chưa sử dụng máy hút sữa luôn. Khi mình chưa có sữa về nhiều thì một bên con ti, bên còn lại sử dụng cốc hứng sữa này thì mình thu được tầm 60 – 70ml là bình thường. Còn nếu mẹ nào nhiều sữa hơn thì có thể thu được đầy cốc hoặc tầm 100 – 120ml cũng là chuyện bình thường. Vì vậy nếu bạn nào có ý định nuôi con bằng sữa mẹ và cho con ti mẹ trực tiếp thì rất nên mua những loại cốc hứng sữa. Nó sẽ tiết kiệm thời gian cho bạn rất nhiều. Bên cạnh đó cũng sẽ thu được một lượng sữa, tránh tình trạng lãng phí sữa mẹ. Cốc hứng sữa mình từng sử dụng qua là của Nature Bond, phiên bản 2021. Bạn có thể sử dụng cốc hứng sữa của bất kỳ thương hiệu nào bạn cảm thấy phù hợp về giá tiền và sở thích cá nhân.
Máy hút sữa
Trong trường hợp bạn nuôi con bằng sữa mẹ và có ý định cho con ti bình thì bạn nên mua máy hút sữa.
Bạn nên mua những loại máy hút sữa có phễu rời. Nó thuận tiện trong việc đổi size phễu. Còn đối với những loại phễu dính liền nếu mà lỡ như bạn không vừa size phễu thì bạn lại phải mua thêm một bộ cổ nối khác dính liền với phễu, nó sẽ khá là phức tạp.
Để recommend cho bạn về máy hút sữa thì thật sự là nó khá là khó với mình. Bởi vì máy hút sữa có rất nhiều phân khúc giá thành khác nhau. Cho nên bạn nên lựa chọn loại nào bạn cảm thấy phù hợp với kinh tế. Trong trường hợp bạn thích máy hút sữa nào mà đang có giá thành cao thì có thể cân nhắc phương án thuê máy hút sữa đó trước. Sau khi sử dụng thấy ổn, thấy hợp thì có thể mua sau. Khi sử dụng máy hút sữa, ngoài độ bền, sự êm ái và lực hút thì nó còn phải hợp với cơ địa, hợp với ngực của bạn nữa. Máy hút sữa rẻ tiền thì chưa hẳn là sẽ không tốt. Quan trọng là nó phù hợp với khuôn ngực thì sẽ giúp cho bạn hút sữa và kích sữa được hiệu quả.
Nếu bạn có điều kiện kinh tế, muốn mua ngay từ đầu thì thương hiệu mình có thể recommend nhất cho bạn là thương hiệu Medela.
Đây là một thương hiệu có rất nhiều dòng máy hút sữa và phụ kiện đi kèm. Khi bạn cần thay thế thì cũng rất thuận tiện.
Mình highly recommend bạn nên tham khảo 2 video này của mình: “Review máy hút sữa không dây Beefree” và “So sánh máy hút sữa Medela Sonata Flex và Fatz Baby” trước khi lựa chọn. Mua máy hút sữa thì bạn nên tìm hiểu phụ kiện máy hút sữa trước khi sinh con tại vì đợi đến khi sinh rồi mà bạn chưa có đủ kiến thức thì sẽ rất là phức tạp và căng thẳng.
Phụ kiện máy hút sữa
Phễu hút sữa
Có một dạng flex của Medela nhưng nó cũng giống như kiểu phễu nhựa, chỉ có điều là vành bên ngoài là vành silicon thôi. Khi phễu đi kèm với máy hút sữa không vừa với ngực thì bạn cần phải mua phễu khác có size đúng và phù hợp với ngực bạn hơn. Ví dụ lúc đang mang bầu thì mình đo ra là mình size 24 nhưng thực tế khi sinh con xong thì có lúc size 19, đôi khi size 21, lại có lúc size 24.
Cho nên bạn nên tìm hiểu kỹ trước khi sinh con để đỡ bỡ ngỡ hơn. Cũng không hiếm trường hợp một bên ngực sử dụng size 19 trong khi bên khác lại là size 21, có thể 2 bên nó không cùng size đâu bạn. Trong trường hợp bạn cần thay phễu thì có 2 thương hiệu mình nghĩ bạn nên cân nhắc lựa chọn. Thứ nhất là phễu nhựa Medela, nó có rất nhiều size khác nhau. Thứ hai là có thể sử dụng phễu nhựa Maymom cũng được.
Đối với phễu silicon thì sẽ tùy vào phương pháp kích sữa thì bạn có thể lựa chọn phễu silicon phù hợp với mình.
Mọi người thường nói phễu silicon sẽ dễ chịu hơn phễu nhựa nhưng khi sử dụng thì mình không cảm thấy có quá nhiều sự khác biệt. Khi kích sữa bằng phễu nhựa hoặc phễu flex thì mình thấy nó hiệu quả hơn phễu silicon. Cho nên quyết định chọn phễu hút sữa nào tốt là phụ thuộc sự phù hợp từng người thôi. Tuy nhiên bạn vẫn nên trang bị kiến thức cho mình trước để đưa ra quyết định đúng đắn.
Đệm hạ size
Mình lấy ví dụ phễu đi kèm trong bộ máy hút sữa là size 21 nhưng ngực của bạn lạị phù hợp với size 19. Trong trường hợp này có thể không cần phải mua phễu size 19. Thay vào đó bạn có thể sử dụng một cái đệm hạ size để giảm bớt kích thước size phễu từ 21 xuống 19.
Đối với đệm hạ size thì bạn có thể mua của Mama’s Choice.
Cổ nối phễu hút sữa
Vậy khi nào thì phải mua cổ nối? Cần mua khi nó không vừa với size phễu của máy hút sữa và máy hút sữa đang dùng là dạng phễu dính liền chứ không phải là phễu rời. Cho nên như ở phần bên trên, mình có đề xuất là nên mua máy hút sữa có phễu rời thì nếu lỡ không vừa size phễu thì bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc mua phễu thay thế.
Vậy, nên mua loại cổ nối máy hút sữa nào? Chắc chắn là mình sẽ không có sản phẩm gợi ý rồi.
Mỗi thương hiệu máy hút sữa sẽ có một cổ nối khác nhau. Do đó ban đầu bạn mua máy hút sữa của thương hiệu nào thì sau này bạn phải mua cổ nối của thương hiệu đó.
Túi trữ sữa
Nếu bạn hút sữa mẹ ra và muốn trữ đông hoặc trữ mát sữa đó thì cần phải có túi trữ sữa. Nếu muốn trữ đông thì bạn nên lưu ý lựa chọn loại túi trữ sữa có chất liệu dai một chút xíu và có 2 - 3 lớp zip để cho nó chắc chắn hơn.
Mình đề xuất cho bạn là mua của Sunmum hoặc Lansinoh. Nếu chỉ có nhu cầu trữ mát thì bạn có thể mua những loại rẻ hơn. Những loại này thì thường chỉ có 1 lớp zip và chất liệu nhựa sẽ hơi cứng. Nếu bạn có ý định cho con uống sữa liền hoặc sử dụng trong thời gian ngắn và chỉ cần trữ mát thì có thể mua những loại này cho nó tiết kiệm. Về số lượng bạn có thể mua 2 hộp trước, sau này cần thì mua thêm. Về dung tích túi thì ban đầu bạn nên mua những loại tầm 150ml thôi tại vì khi bạn rã đông nó cũng sẽ nhanh hơn. Mới sinh xong thì lượng sữa về cũng chưa được nhiều lắm. Cho nên dung tích 150ml là phù hợp. Sau một thời gian khi sữa về nhiều hơn, bạn có thể mua những loại túi trữ sữa có dung tích lớn hơn như 200 hoặc 250ml. Trong mục này bạn nên xem video “Bảo quản và rã đông sữa mẹ đúng cách” trước đây mình đã từng chia sẻ để có thể có thêm được nhiều kinh nghiệm hơn về việc trữ sữa cũng như là sử dụng sữa mẹ.
Túi chườm nóng lạnh
Áo hút sữa rảnh tay
Nếu bạn có mua những loại máy hút sữa có dây thì mới nên mua những loại áo hút sữa rảnh tay. Còn nếu sử dụng máy hút sữa không dây thì bạn nên mua những loại áo thể thao, nó sẽ giữ được máy hút sữa không dây tốt hơn.
Áo hút sữa rảnh tay thì bạn nên mua của Simple Wishes. Mình có cả 2 áo hút sữa rảnh tay của Medela và Simple Wishes. Thực sự mình thấy của Simple Wishes dùng nó ổn hơn. Nó có thêm 2 dây đeo phía trên nên sẽ dễ sử dụng hơn.
Máy tiệt trùng bình sữa
Nếu bạn dự định cho con uống sữa bằng bình, dù là sữa mẹ hay sữa công thức thì cũng nên mua thêm một chiếc máy tiệt trùng. Nếu chỉ tiệt trùng bình sữa thôi thì bạn có thể lựa chọn máy tiệt trùng hơi nước. Còn nếu muốn tiệt trùng nhiều thứ hơn hoặc muốn không gian rộng hơn thì bạn nên sử dụng máy tiệt trùng bằng tia UV. Ngoài ra bạn nên lựa chọn loại máy tiệt trùng có luôn chức năng sấy khô.
Máy tiệt trùng hơi nước thì bạn có thể sử dụng Philips Avent, Baby Brezza hoặc Tommee Tippee. Máy tiệt trùng tia UV thì tùy thuộc vào phân khúc giá bạn mong muốn. Giá thành dễ chịu thì có thể lựa chọn của Fatz Baby hoặc cao cấp hơn thì có nhiều thương hiệu khác. Chẳng hạn như là Ecomom, Haenim…hoặc Wabi giống mình.
Để tìm hiểu kỹ hơn trước khi mua máy tiệt trùng thì bạn có thể xem video “nên mua máy tiệt trùng hơi nước hay máy tiệt trùng bằng tia UV” trước đây mình từng chia sẻ.
Máy hâm sữa
Nếu bạn có sữa trữ đông hoặc sữa mẹ trữ mát và muốn cho con uống sữa này thì bạn nên cân nhắc mua máy hâm sữa. Máy hâm sữa là một vật dụng sẽ sử dụng rất thường xuyên nếu bạn hút sữa và cho con ti bằng bình.
Trong giai đoạn 0 - 6 tháng tuổi thì em bé sẽ có rất nhiều cữ uống sữa gần nhau. Vì vậy máy hâm sữa sẽ là một vật dụng rất cần thiết.
Mình đề xuất bạn nên mua máy hâm sữa Baby Brezza bởi vì thời gian hâm sữa nhanh và nó có luôn chế độ rã đông sữa mẹ. Mình từng làm một video review chiếc máy này rồi. Các bạn tham khảo tại đây nhé.
Máy hâm sữa Baby Brezza sẽ có 2 phiên bản: có bluetooth và không bluetooth. Nếu bạn đang sinh sống trong một không gian nhà nhỏ hoặc căn hộ nhỏ, không có nhiều tầng thì nên mua phiên bản không bluetooth cho nó tiết kiệm. Còn nếu nhà bạn có nhiều tầng lầu thì có thể lựa chọn máy có bluetooth vì khi hâm xong nó báo trên App điện thoại cho bạn chủ động.
Máy pha sữa
Máy pha sữa sẽ được sử dụng trong trường hợp bạn có cho con uống sữa công thức. Bạn muốn tiết kiệm thời gian, thuận tiện hơn, bạn không có nhiều người hỗ trợ trong việc chăm sóc con và bạn có điều kiện kinh tế dư dả một chút xíu thì có thể lựa chọn mua máy pha sữa.
Máy pha sữa mình đề xuất cho bạn cũng là máy pha sữa Baby Brezza. Mình từng review chiếc máy pha sữa này rồi. Bạn nên xem video “Review máy pha sữa Baby Brezza sau 9 tháng sử dụng” trước khi quyết định lựa chọn nhé.
Máy đun nước
Nếu bạn dự định cho con uống sữa công thức và không sử dụng máy pha sữa thì bạn phải pha sữa theo cách pha sữa bằng cách truyền thống. Tức là tự pha tay sữa bột với nước nóng thì bạn sẽ cần máy đun nước. Bởi vì mình đang sử dụng máy pha sữa tự động. Và gia đình cũng đã trang bị máy lọc nước nóng nước lạnh. Cho nên không sử dụng máy đun nước. Do đó mình sẽ không có sản phẩm đề xuất cho bạn. Tuy nhiên thì mình lưu ý cho bạn một điều đó là đối với các loại máy đun nước nó bằng thủy tinh thì đã từng có một số review có đề cập đến chuyện sau khi dùng một khoảng thời gian là nó bị vỡ, bị nổ. Cho nên bạn cần phải chú ý một chút xíu. Có thể bạn sẽ cần phải sử dụng những máy móc nó hiện đại hơn hoặc sử dụng theo cách truyền thống tức là dùng bình thuỷ giữ nhiệt. Điều này thì tuỳ bạn cân nhắc lựa chọn.
Nước rửa bình sữa
Nếu bạn dự định cho con uống sữa bằng bình thì phải cần có nước rửa bình sữa. Ban đầu có thể mua trước một chai, sau này hết rồi thì bạn mua thêm dạng túi thì nó sẽ tiết kiệm tiền hơn.
Nếu muốn giá thành dễ chịu thì bạn có thể mua nước rửa bình Dnee. Muốn cao cấp hơn và ít mùi hương hơn một chút xíu thì bạn có thể lựa chọn nước rửa bình Arau.
Cọ rửa bình sữa
Khi đã sử dụng bình sữa cho con thì cần phải mua thêm các loại cọ rửa bình. Bạn nên mua những loại cọ có đầu bằng silicon.
Mình đề xuất bộ cọ rửa bình Moyuum. Bộ cọ này một đầu dùng để rửa bình còn một đầu dùng để rửa núm ti.
Miếng lót thấm sữa
Nếu bạn dự định nuôi con bằng sữa mẹ thì nên mua miếng lót thấm sữa. Mình từng sử dụng qua khá nhiều loại miếng lót thấm sữa rồi. Mình thấy về cơ bản thì đa phần đều khá là giống nhau.
Mình đề xuất là bạn nên mua miếng lót thấm sữa Pigeon nội địa Nhật (126 miếng). Trước đó mình từng sử dụng nhiều hãng khác nhau, số lượng miếng lót nó ít lắm. Mình phải mua đi mua lại nhiều lần. Trong khi bịch này rất to nó, giá thành cũng rẻ và dùng được rất lâu. Cho nên mình sẽ đề xuất cho bạn sản phẩm này của Pigeon nha.
Áo cho con ti
Thực sự bạn không cần thiết phải mua những loại áo này đâu. Bạn có thể tận dụng những khăn tắm to của con, những loại khăn xô nó vừa mát vừa có thể sử dụng được nhiều mục đích khác nhau nữa.
Ti giả cho bé
Ngay từ đầu các bạn chưa cần phải mua liền đâu. Các mẹ nên cứ bình tĩnh đợi khi sinh xong tình hình như thế nào rồi hẵng lựa chọn sau. Nếu con của bạn đang hợp tác với những loại bình sữa có núm ti đầu tròn thì bạn nên ưu tiên những loại ti giả có đầu tròn. Còn nếu con đang hợp tác với bình sữa có núm ti dẹt thì bạn nên mua những loại ti giả có hình dạng đầu dẹt.
Ti giả đầu đầu tròn thì bạn có thể mua của Bibs. Còn đầu dẹt bạn có thể mua của Dr. Brown’s. Ti giả Bibs dùng rất là ổn nhưng khi mới mua về mùi cao su khá là nhiều. Mình phải rửa và tiệt trùng mấy lần thì nó mới đỡ. Mình có liên hệ hỏi hãng thì người ta giải thích đó là hiện tượng bình thường. Con của mình và nhiều em bé khác thì mình thấy rất là hợp tác với ti giả này. Cho nên mình cũng sẽ đề xuất cho bạn. Nhưng bạn có thể tham khảo thêm những loại khác và cân nhắc mua sau.
Bạn nên lưu ý nếu bạn tập cho con quen ti giả thì chắc chắn sau này bạn phải tập cho con cai ti giả. Vì vậy nếu đã lựa chọn cho con sử dụng ti giả thì các bạn nên cân nhắc tìm hiểu kiến thức cho mình trước.
Hướng dẫn sử dụng file excel danh sách mua đồ sơ sinh
Đầu tiên bạn mở file đã tải về rồi chọn click chọn Enable Macros. Nó sẽ hiện ra một bảng excel. Trong bản excel này sẽ có 2 sheets, một sheet là bé ăn và một sheet là bé mặc. Sheet bé mặc thì nó khá là đơn giản. Cho nên mình sẽ hướng dẫn bạn sử dụng sheet bé ăn.
Đầu tiên bạn phải lựa chọn xem là mình nuôi con bằng sữa gì. Thứ nhất là sữa mẹ hoàn toàn. Thứ hai là sữa mẹ dặm thêm sữa công thức. Và thứ ba là sữa công thức hoàn toàn.
Trong mục nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn sẽ có ba hình thức khác nhau: ti mẹ trực tiếp hoàn toàn, ti mẹ ti bình song song và ti bình hoàn toàn.
Ví dụ bạn click chọn vào ô “ti mẹ và ti bình song song”. Thì sau khi nhấn vô này thì nó sẽ tự động ẩn đi những trường hợp khác. Nếu bạn muốn mở lại tất cả các trường hợp thì bấm chọn vào ô “HÌNH THỨC NUÔI CON” nó sẽ hiện ra đầy đủ cho bạn.
Nhìn xuống dưới bảng, bạn sẽ thấy có những ô mình đánh dấu “x”. Mình đánh dấu “x” có nghĩa là bạn cần nên mua. Khi nhìn vô ô kế bên mình sẽ giải thích lý do tại sao nên mua, lưu ý khi chọn mua. Mình highly recommend bạn nên đọc mục này trước để xem coi là mình có cần thiết phải mua món đó hay không.
File excel danh sách đồ sơ sinh này thì mình đã cân chỉnh sẵn cho bạn hết rồi. Nếu muốn in thì bạn chỉ cần nhấn Command + P (máy Mac) hoặc Ctrl +P (máy Win). Hoặc bạn cũng có thể lưu file dạng pdf để tiện xem trên điện thoại.
Sheet thứ 2 là sheet “bé mặc”. Sheet này rất đơn giản, ngắn gọn. Mình cũng đã đề cập những sản phẩm cần thiết, số lượng, link review tham khảo…. Trong những bài viết sau thì mình sẽ có thêm ba mục khác nữa. Mình sẽ làm file excel danh sách mua sắm đồ sơ sinh giống như thế này luôn. Hãy cùng chờ đón bài viết mới của mình nhé ^^!
Link file danh sách đồ sơ sinh (part 1)
Link các bài viết khác trong cùng series:
Danh sách đồ sơ sinh cho bé ngủ (Part 2/4)
Danh sách đồ sơ sinh vệ sinh cho bé (Part 3/4)
Danh sách đồ sơ sinh những đồ dùng khác cho mẹ và bé (Part 4/4)