Hướng Dẫn Chỉnh Khớp Ngậm Và Cầm Bình Cho Bé Ti
Bài viết này mình sẽ chia sẻ về vấn đề cho bé ti bình. Nắm vững những kiến thức này sẽ giúp cho bé giảm tình trạng đầy hơi cũng như ti sữa được hiệu quả hơn.
Nếu muốn xem bằng hình ảnh, bạn tham khảo video này nhé:
Cách cầm bình cho bé ti
Chú ý vị trí van chống đầy hơi
Hầu hết các loại núm ti bình sữa trên thị trường hiện nay đều có van chống đầy hơi. Trước khi cho bé bú bạn nên kiểm tra trước xem van có hoạt động tốt hay không. Cách kiểm tra thì rất đơn giản. Bạn dùng 2 đầu ngón tay bóp vào ngay vị trí van để xem van có lỗ hay không. Nếu van không có lỗ, bị dính lại thì van không hoạt động được. Bạn nên đổi hoặc mua núm ti khác rồi lắp vào bình cho bé ti.
Trong quá trình cho con ti bình thì bạn chú ý để van phải nằm ở phía trên. Cách dễ nhất là cân chỉnh sao cho cái van này nằm đúng ngay nhân trung của em bé là được.
Độ nghiêng của bình sữa như thế nào là phù hợp?
Thông thường sẽ để nghiêng khoảng 45°. Nếu như bạn khó khăn trong việc ước lượng độ nghiêng 45° thì hãy quan sát đầu núm ti. Nếu sữa lấp đầy hết đầu núm ti là được. Nhớ chú ý đừng để cái bình sữa nằm ở góc nghiêng nhỏ quá, dễ làm cho em bé bú phải hơi, nút phải hơi. Ti phải hơi thì em bé sẽ bị đầy hơi, dẫn tới bị đau bụng và ti sữa không được hiệu quả như các bạn khác.
Ngược lại, lại có nhiều mẹ quá lo sợ về việc con ti phải hơi nên đôi lúc các mẹ lại để dốc ngược bình sữa lên. Để vị trí bình sữa như vậy thì sẽ làm cho em bé khó ti. Tư thế khó rất dễ làm con bị sai khớp ngậm và ti không được hiệu quả.
Tư thế cầm bình sữa
Cầm ở đáy bình sữa
Cầm kiểu này thì khi muốn quan sát lượng sữa bên trong bình thì phải dốc ngược bình lên, vô tình đè thêm một tí thì con sẽ khó ti. Tư thế này rất nhanh mỏi tay, dễ dẫn tới làm cho bình sữa cao quá hoặc thấp quá. Bé sẽ dễ ti phải hơi hoặc ti không hiệu quả.
Cầm ngang phía trên bình
Tư thế này không linh hoạt, khó quan sát con. Cho nên cách cầm này thì hiếm người sử dụng.
Cầm ngang phía dưới bình
Cách cầm này dễ thao tác nhất. Thiết kế bình sữa hẹp ngay phần thần giữa nhỏ hơn, ngay chỗ này có cái rãnh bo vô để chúng ta dễ cầm nắm hơn. Bạn giữ ngón cái một bên bình sữa và 4 ngón còn lại giữ bên phía đối diện, rất là linh hoạt. Bạn có thể căn chỉnh góc độ như thế nào cho nó phù hợp với con. Ngoài ra, đưa tới đưa lui bình sữa cũng dễ dàng nữa.
Tư thế cho bé ti bình
Mình thấy có rất nhiều tư thế khác nhau. Phổ biến nhất vẫn là bế cho ti hoặc nằm ti. Thực hiện theo cách nào thì bé cũng có thể bú được nhưng bú được thì khác với bú hiệu quả. Bé càng được nằm trong tư thế thoải mái thì sẽ càng bú được hiệu quả.Như bạn cũng biết thì cổ em bé sơ sinh và phần xương sống chưa phát triển hoàn chỉnh được. Cho nên cho ti như thế này thì phần cổ của con sẽ hơi bị khó chịu. Do đó sẽ khó bú được hiệu quả.
Trường hợp phải ẵm bé đi đâu đó mà không có chỗ để con nằm hoặc không có gối cho bé nằm ti thì bắt buộc phải bế cho ti. Nhưng nếu có điều kiện thì nên để bé nằm ti thì sẽ ti hiệu quả hơn.
Đối với em bé sơ sinh và trong 3 tháng đầu tiên thì bạn nên cho con nằm ti trên gối 15°. Lưu ý là chọn loại gối nào có độ cứng vừa phải. Gối mềm quá dễ làm bé nhanh mỏi, ảnh hưởng đến xương cổ cũng như xương lưng của con sau này.
Chiếc gối mà mình đề xuất rất nhiều lần trong các video chuẩn bị đồ sơ sinh là gối 15° của Babymoov. Bạn cho em bé nằm trên nửa gối thôi. Đừng cố gắng đưa bé lên cao với hi vọng là khi đầu cao hơn mình thì bé sẽ đỡ trớ hơn. Cứ để ý bản thân chúng ta, nếu phần đầu cho đến hết phần lưng nằm trên một mặt phẳng nghiêng thì rất nhanh bị mỏi phần lưng dưới.
Ngoài ra, một cữ ti của em bé sẽ rơi vào khoảng 15 - 30 phút. Nếu nằm vậy lâu thì con sẽ rất là mỏi.
Trong giai đoạn bé dưới 3 tháng tuổi thì bạn cũng không nên dùng các loại gối chống trào ngược để cho con ti. Nằm trên gối này thì phần cổ của con sẽ bị gập lại. Con rất dễ bị tụt xuống ngay phần lõm của cái gối.
Khi bé lớn hơn, thân hình con dài hơn thì bạn có thể cho bé nằm gối chống trào ngược để ti sữa.
Khi nằm ti thì bé có thể nghiêng sang trái, sang phải nằm ngữa, tuỳ thuộc vào từng em bé. Nhưng tư thế em bé ti nằm nghiêng thì sẽ đỡ sặc và an toàn cho con hơn.
Nếu muốn cho con ti nằm nghiêng thì bạn cuộn một cái khăn tắm lại rồi nhẹ nhàng để ở phần phía sau em bé để con nghiêng người qua rồi cầm bình cho con ti. Hoặc cũng có thể lấy một tay đỡ phần lưng, phần cổ của con và một tay còn lại thì cầm bình sữa.
Chỉnh khớp ngậm ti bình cho bé
Để bé đỡ nuốt phải hơi trong quá trình ti bình và ti được hiệu quả thì cần phải có khớp ngậm đúng. Khớp ngậm đúng khi ti bình là phần môi trên và môi dưới phải loe ra.
Đối với em bé sơ sinh và những bé lần đầu ti bình thì rất ít bé có thể ti bình đúng khớp ngậm. Cũng tương tự như ti mẹ, bạn phải tập cho con.
Vào những lần ti bình đầu tiên thì bạn chú ý quan sát và kéo phần môi trên và môi dưới con ra. Có thể trong một cữ bú thì bạn phải kéo cho con rất nhiều lần. Đây là điều rất bình thường. Khi em bé đã quen với tư thế ti sữa thì bạn sẽ không cần phải điều chỉnh nữa.
Một số trường hợp mà môi của bé không thể nào loe ra được. Nguyên nhân chính đến từ một số lý do như sau:
- Cấu tạo phanh môi của bé hoặc em bé bị dính thắng lưỡi.
- Mẹ đưa bình chưa đúng khớp của bé hoặc cách mẹ cầm bình không đúng.
- Bình sữa không phù hợp với bé. Có bé chỉ có thể ti được bình sữa cổ rộng nhưng có những bé thì lại chỉ hợp với bình sữa cổ hẹp. Trường hợp này thì bạn phải cho con ti, thay đổi bình sữa và quan sát tìm được sản phẩm phù hợp với con.
Cám ơn bạn,