Logo Brian & Eve Family | Be simple. Be happy
Mẹ sau sinh

Cách Giúp Mình Vượt Qua Trầm Cảm Sau Sinh

27/07/2024
Cách Giúp Mình Vượt Qua Trầm Cảm Sau Sinh
Chào bạn,
 
Bài viết này mình sẽ nói về vấn đề trầm cảm sau sinh.
 
Bạn có thể tham khảo video tại đây nhé:
 
 

Trầm cảm sau sinh là gì?

Trầm cảm sau sinh là một dạng rối loạn tâm lý thường gặp liên quan đến những suy nghĩ tiêu cực, lo lắng, sợ hãi và tuyệt vọng.
 

Đối tượng bị trầm cảm sau sinh


Đối tượng bị trầm cảm sau sinh

Đối tượng bị trầm cảm sau sinh là phụ nữ sau sinh. Thường gặp nhất là mẹ sau sinh ở những tháng đầu tiên. Bên cạnh đó cũng không hiếm những mẹ đã sinh con được khoảng 1 – 2 năm. Đây là những trường hợp rất nguy hiểm vì khoảng thời gian tích tụ tình trạng ức chế tâm lý kéo dài, dễ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Đối tượng ít được nhắc đến hơn là các ông bố bỉm sữa. Ông bố nào tham gia nhiều vào việc chăm sóc em bé thì vẫn có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh như thường.  
Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này thì mình chỉ nói về vấn đề trầm cảm sau sinh ở phụ nữ thôi. Tại vì đây là đối tượng phổ biến nhất liên quan đến vấn đề này.
 

Nguyên nhân gây ra trầm cảm sau sinh

Hormone thay đổi đột ngột


Hormone thay đổi đột ngột dẫn tới trầm cảm sau sinh

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng trầm cảm sau sinh, một trong số đó phải kể đến sự thay đổi hormone đột ngột trong cơ thể người mẹ.
Trong thời gian mang thai thì hormone estrogenprogesterone gia tăng đột ngột. Điều này làm cho phụ nữ mang thai rất khó kiểm soát cảm xúc. Biểu hiện thường thấy là dễ vui, dễ buồn, dễ xúc động, dễ khóc và dễ bực bội hơn rất nhiều lần so với người bình thường.
Sau sinh thì hoàn toàn ngược lại. Hai loại hormone này giảm một cách đột ngột, gây nên sự mất sự cân bằng trong cơ thể.
 

Không quen với việc chăm sóc em bé


Không quen với việc chăm sóc em bé dẫn tới trầm cảm sau sinh

Biểu hiện rõ nhất của nguyên nhân này là chưa quen với việc chăm sóc em bé. Gia đình có thêm thành viên mới làm cho lịch sinh hoạt bị đảo lộn hoàn toàn. Bên cạnh việc mệt mỏi sau sinh thì bạn sẽ bị thiếu ngủ trầm trọng, đau nhức vì căng sữa hoặc cũng có thể là lo lắng thiếu sữa cho con ti.
Khi chúng ta mệt mỏi về thể xác lẫn tinh thần cộng thêm với việc thiếu ngủ trong thời gian dài dễ dẫn tới cảm giác hoang mang, căng thẳng và tệ hơn là có những suy nghĩ tuyệt vọng.
 

Không hiểu sau khi đọc sách chăm sóc em bé


Không hiểu sau khi đọc sách chăm con

Có nhiều mẹ trong thời kì mang thai đã đọc và tìm hiểu việc chăm sóc con qua sách báo. Sinh con rồi, nó lại không giống như ở trong sách thì bạn bắt đầu bị căng thẳng. Nhiều mẹ bị ám ảnh về lịch sinh hoạt em bé sơ sinh tham khảo trong sách và cứ ép con vào khuôn nhưng tình hình ngày càng tệ.
Mình may mắn vì trước khi có con thì đã có cơ hội chăm sóc một vài em bé khác. Mình biết được là mỗi em bé thì mỗi khác nhau. Cần một khoảng thời gian đủ dài để mẹ có thể hiểu con.
Em bé cũng như người lớn chúng ta. Có những ngày con mệt con không muốn ăn. Lại có những lúc chỉ muốn được mẹ ôm chứ không hứng thú ăn uống gì cả. Cũng sẽ không ít lần con bị đầy hơi, không thể nào uống sữa được…..
Cho nên lịch sinh hoạt mà sách vở đưa ra thì cũng chỉ là khung tham chiếu mang ý nghĩa tham khảo. Vấn đề cốt lõi là bạn phải nương theo để có lịch trình phù hợp với con.
Kiến thức trong sách sẽ đưa ra những khái niệm tổng quan nhắm giúp chúng ta nhanh chóng hiểu được con đang muốn gì hay con đang cần gì thôi. Mỗi em bé là một cá thể độc lập và rất khác nhau. Do đó, nếu quá cứng nhắc áp dụng theo sách thì sẽ rất là căng thẳng.
 

Yếu tố khách quan


Mâu thuẫn gia đình dẫn tới trầm cảm sau sinh

Có thể bạn mâu thuẫn với chồng hoặc người thân trong gia đình về việc chăm sóc nuôi dưỡng em bé. Bạn không tìm được tiếng nói chung với mọi người. Khi chăm sóc con theo cách của bạn thì gặp phải thái độ hoặc ánh mắt không vừa lòng từ mọi người xung quanh. Mức độ nặng hơn thì có thể bị nhắc nhở bằng những lời lẽ không hay. Thậm chí là xảy ra chuyện tranh cãi về những ý kiến bất đồng.
 
Mình may mắn vì không trải qua việc sống chung nhiều thế hệ. Nhưng hoàn toàn biết được rằng mẹ sinh con ra nhưng lại không được nuôi dưỡng và chăm sóc theo ý muốn của mình mà phải theo tuân theo ý kiến người khác thì thực sự rất căng thẳng. Nếu tình trạng này kéo dài từ ngày này qua ngày khác, cứ lặp đi lặp lại thì rất khó để giải toả cảm xúc. Trường hợp này nếu không thể chia sẽ với chồng hoặc một người bạn tri kỷ nào đó thì rất dễ dẫn tới trình trạng stress nặng.
Mang thai rồi sinh con đối với nhiều mẹ cũng sẽ vướng phải vấn đề tài chính trong gia đình. Sẽ có nhiều vấn đề phát sinh chi phí hơn, rất dễ có những bất đồng ý kiến với người bạn đời của mình. Thời gian này thì chắc chắn phải nghỉ thai sản, thu nhập giảm sút hoặc tệ hơn là có nhiều bạn sẽ phải nghỉ ở nhà chăm con thời gian dài. Có thể bạn sẽ bị tác động, phải nghe những lời không hay từ những người xung quanh, hàng xóm hay thậm chí từ những người đến thăm bạn nữa.
 

Yếu tố chủ quan


Môi trường sống ngột ngạt dẫn tới trầm cảm sau sinh

Ở nhà trong một khoảng thời gian dài, chỉ quanh đi quẩn lại với việc chăm sóc em bé làm cho bạn cảm thấy bí bách, ngột ngạt, dễ dẫn tới những suy nghĩ tiêu cực.
Có nhiều mẹ sau sinh, gia đình có điều kiện kinh tế, chồng thương … nhưng vẫn bị trầm cảm.
Một số người lại có lời lẽ không hay, lời ra tiếng vào, đôi khi áp đặt cho bạn trầm cảm vì sướng quá!
Thực tế là không phải em bé nào cũng giống nhau. Bản thân không phải là người trong cuộc nên có lẽ người ta sẽ không biết được vấn đề thực tế của bạn.
Có nhiều mẹ đã từng có con nhưng con rất dễ thì cũng sẽ không hiểu được cảm giác những người mẹ phải chăm sóc những em bé khó.
 

Dấu hiệu trầm cảm sau sinh


Dấu hiệu trầm cảm sau sinh

Những dấu hiệu rõ nhất như buồn chán, lo lắng, sợ hãi, tuyệt vọng, cảm thấy trống rỗng, không muốn liên lạc với ai, có những suy nghĩ gây nguy hiểm cho con…. Tệ hơn là bạn cảm thấy mình không xứng đáng là một người mẹ, không tin vào bản năng của mình, sợ gần gũi với con.
Bản thân mình thì hầu như đều trải qua tất cả những dấu hiệu này. Mình thì chưa đến mức làm những điều dại dột, nguy hại đến con, người thân hay chính bản thân mình. Nhưng điều đáng sợ là khi có những dấu hiệu trầm cảm này thì mình lại không hề biết.
Không bao giờ nghĩ mình lại có thể bị trầm cảm sau sinh. Bởi vì mình có nhiều yếu tố thuận lợi để không bị rơi vào tình trạng này:
  • Không phải sống chung gia đình nhiều thế hệ
  • Chồng tốt, tâm lý, yêu thương vợ và rất biết chăm sóc em bé.
Chính vì không biết bản thân bị trầm cảm sau sinh nên không thể kịp thời tìm kiếm giải pháp để điều chỉnh.
Sau khi trấn tĩnh lại thì mình tìm ra nguyên nhân khiến bản thân bị stress là do thời gian biểu chăm sóc con.
 

Vì sao mình bị trầm cảm sau sinh?


Mệt mỏi vì thiếu ngủ

Mỗi sáng thức dậy với cơ thể kiệt quệ cả về thể xác và tinh thần vì tình trạng thiếu ngủ trầm trọng. Việc đầu tiên là ăn sáng rồi cho con ti hoặc là cho con ti rồi ăn sáng buổi sáng. Những hôm ở nhà thì chồng sẽ cho con ti bình, còn bình thường mình sẽ cho con ti trực tiếp trong vòng 45 phút. Em bé của mình thì không hợp tác với việc ti nằm nên bắt buộc là phải ngồi cho con ti.
 
Chăm sóc em bé sơ sinh thì sẽ có 3 vấn đề quan trọng nhất: ăn, ngủ và đi vệ sinh. Ba yếu tố này có những mối liên hệ phụ thuộc và ảnh hưởng lẫn nhau. Khi con còn nhỏ, thì em bé của mình dường như những vấn đề này không được ổn lắm.  
Đối với một em bé sơ sinh thông thường thì khi ti xong con sẽ chơi một thời gian ngắn (5 - 10 phút gì đó) là con sẽ đi ngủ. Em bé nhà mình cũng vậy, chỉ khác là giấc ngủ của con chỉ kéo dài được 15 - 20 phút, nhiều nhất là 45 phút. Tất cả các cữ ngủ, từ ngày tới đêm đều như vậy nên mẹ không kịp làm thêm việc gì khác là con đã dậy. Con dậy, con khóc rất nhiều. Nhiều lần khóc mà không có cách nào để dỗ cho con nín, cho ti không nín, ti bình không nín, ti mẹ không nín, ẵm lên đi vòng vòng khắp nhà vẫn không nín. Đặc biệt là vào những tuần khủng hoảng hay còn gọi là Wonder Weeks thì con lại càng khóc nhiều hơn. Trong suốt nhiều tháng đầu thì 2 vợ chồng phải thay phiên nhau bế ngồi cho con ngủ.
Kết thúc tháng đầu tiên sau sinh thì chồng mình phải đi làm trở lại. Cho nên phân chia công việc lúc này cũng sẽ có sự thay đổi một chút. Đầu đêm chồng bế con từ lúc 8h, ráng dỗ con đến tầm 10 – 11h thì chuyển sang ca mình. Mình bế con đến khoảng 4h sáng. Những hôm ráng ráng là đến 5h thì chồng dậy chăm sóc con vài tiếng nữa thì chồng sẽ đi làm. Mình nghỉ ngơi trong vòng vài tiếng đó rồi thay cho chồng đi làm. Mình tiếp tục chăm sóc con trong suốt một ngày và cứ lặp lại chu kỳ như vậy.
Trong những tháng đầu tiên đó, tự nhiên mình có cảm giác là con chỉ chịu ba thôi. Có nghĩa là qua ba thì con đỡ khóc hơn. Lúc đó mình đang căng thẳng về chuyện thiếu ngủ, không được nghỉ ngơi, cộng thêm với việc con không chịu mẹ nữa khiến mình rất buồn và lo lắng. Không biết khi chồng đi làm thì làm sao để dỗ con vì con vẫn đang trong giai đoạn quấy khóc rất nhiều.  
Lên mạng tìm hiểu thì biết được có rất nhiều em bé như vậy. Bởi vì sinh con xong, cơ thể người mẹ tiết sữa, lúc ẵm con thì con sẽ có cảm giác nóng và sẽ khóc nhiều hơn. Từ từ con quen thì sẽ không khóc nữa và sẽ theo mẹ hơn.

Thời gian hiện tại thì con đều theo ba với mẹ nhưng mà bám mẹ nhiều hơn.
Lịch trình trong ngày của mình thì cứ cho con uống sữa. Con ngủ tầm 15 - 20 phút thì dậy khóc. Mình phải bế con đi vòng vòng trong nhà vì ngồi xuống thì con lại khóc. Khi bế trên tay đi vòng vòng mà cảm thấy con đã ngủ say rồi thì cố gắng đặt con nhưng đặt được một chút xíu thì con lại khóc.
Lý do là con bị colic, đầy hơi làm con bị đau bụng nên về vấn đề ngủ của con từ trước đến giờ nó rất khó khăn.
Ngoài ra, có một khoảng thời gian phải đến 10 - 12 ngày con không đi vệ sinh. Lúc đó mình cứ nghĩ con bị giãn ruột sinh lý nhưng thật sự không phải. Sau khi trao đổi với bác sĩ thì có thể có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:
  • Một đoạn ruột nào đó nó của con chưa phát triển hoàn chỉnh hoặc chậm hơn các bạn cùng trang lứa.
  • Có thể cơ địa con như vậy nên đành phải chấp nhận. Từ từ con lớn lên sẽ đỡ.

Chuyện đi vệ sinh của con không thuận lợi

Về chuyện đi vệ sinh của con thì thường như thế này: Nếu hôm nay con đi vệ sinh thì trong vòng 3 ngày tiếp theo con uống sữa sẽ được kha khá. Nhưng nếu đến ngày thứ 4 mà chưa đi vệ sinh thì kể từ hôm đó cho tới ngày con đi ị được là con không ăn uống được gì cả, bị nặng bụng và quấy khóc nhiều hơn mức bình thường. Có một số lần vợ chồng mình bắt buộc phải sử dụng biện pháp bơm đít cho con. Thực sự đây là phương án bất đắc dĩ vì em bé còn quá nhỏ, rất dễ bị tổn thương cũng như bơm thì nó không thuận tự nhiên, sau này dễ ảnh hưởng đến thói quen đi đại tiện. Do đó, vợ chồng mình rất rất hạn chế sử dụng phương pháp này.
Vấn đề nữa là mặc dù nhiều ngày không đi vệ sinh nhưng lúc đi thì phân vẫn bình thường, nó không hề có dấu hiệu bị táo bón. Nên thời gian đó làm cho tụi mình khá rối.
Con đi vệ sinh không được, ngủ không tròn giấc nên dẫn đến tình trạng ăn cũng không hiệu quả. Và tình trạng bế tắc này kéo dài nhiều tháng trời.
Vợ chồng mình cố gắng lên mạng tìm hiểu thêm thông tin, từ những nguồn trong cũng như ngoài nước.  Nhưng thật sự nó rất bế tắc. Đến thời gian hiện tại con đã lớn dần, tình trạng này ngày càng đỡ, chứ nó không phải hết một cách hoàn toàn.
 
Không có thời gian riêng tư cho 2 vợ chồng

Giờ nhớ lại khoảng thời gian đó, vợ chồng không có thời gian cho bản thân. Không có thời gian cho nhau, đến những buổi ăn ngồi ăn chung cũng rất hiếm. Nếu có ngồi ăn chung với nhau được thì cũng chỉ nói về những vấn đề liên quan đến con thôi chứ cũng không chia sẻ được về cuộc sống thường ngày xung quanh. Cho nên tâm lý mình ngày càng bị đè nặng hơn nữa.
Tự nhiên mình có cảm giác không muốn chia sẻ với chồng về những vấn đề mà bản thân đang suy nghĩ nữa. Bởi vì chồng phải đi làm, tối về vẫn phải chăm con phụ mình nữa. Liệu mình nói nữa có phải đang làm nặng nề cho chồng hơn hay không?
 
Mình không hề biết vì những chuyện đó làm cho mình rơi vào tình trạng bị trầm cảm sau sinh.
Con mình không phải thuộc dạng háu ăn. Do đó, muốn duy trì nuôi con bằng sữa mẹ thì mình vừa phải chăm con vừa phải kích sữa. Khổ nỗi, kích sữa chưa xong thì con đã khóc rồi. Nếu chồng dỗ con được thì mình có thể hút sữa còn không thì mình lại phải tạm dừng và bế con thôi.
Những cữ đêm mình cố gắng hút sữa đúng giờ để duy trì sữa mẹ cho con. Mình lo lắng con đang bị tình trạng như vậy mà phải uống thêm sữa ngoài nữa thì sợ vấn đề đi vệ sinh hay đầy bụng của con nó lại càng tồi tệ hơn. Bởi vì mình luôn tin vào câu nói “không có sữa nào có thể tốt bằng sữa mẹ”. Nhưng cuối cùng mình vẫn đành phải chấp nhận chuyện dặm thêm sữa công thức cho con.
Mình đã từng thử dặm thêm sữa công thức cho con nhưng đã thất bại không ít lần. Mình loay hoay không biết dòng sữa công thức nào sẽ hợp với con. Mình cho uống thử Meiji thì con trớ ra hết.  
 
Cuộc sống của mình cứ xoay quanh vấn đề con ngủ, đi vệ sinh và ti sữa. Sau mỗi lần con ti mặc dù vỗ ợ hơi rất lâu và con đã ợ nhiều lần nhưng nằm xuống con vẫn khóc rất đau đớn.
Có nhiều hôm mình đau dạ, nôn nhiều đến mức ra cả mật lúc nửa đêm nhưng không nói với chồng. Bởi vì chồng mình cũng thiếu ngủ trầm trọng, những lúc con ngủ được thì mình để chồng nghỉ ngơi để mai còn đi làm. Mình chỉ biết ráng chịu đựng những cơn đau mà không sử dụng thuốc vì còn phải cho con ti.
Cảm giác đau đớn, khó chịu trong người, cộng thêm việc ngồi cho con ti nhiều lần dường như khiến mình đổ gục. Thật sự ôm con trong lòng mà mình rất muốn khóc. Không biết tình trạng này sẽ còn kéo dài đến bao giờ nữa đây?

Con bị đầy hơi và colic 

Vì con lâu ngày mới đi vệ sinh nên mình bắt buộc phải ăn rất nhiều rau. Nhiều đến mức mà mình bị tiêu chảy nhưng tình hình của con vẫn không hề cải thiện.
Khi đã xác định con bị colic, đầy hơi, nhiều khí ga trong người nên mình lại phải kiêng cữ khá là nhiều món ăn có thể gây ra tình trạng đầy hơi. Sau khi kiêng những thực phẩm có khả năng gây đầy hơi thì tình trạng của con cũng không khá hơn.
Tới thời điểm này thì bác sĩ lại nghi ngờ con bị dị ứng đạm sữa bò. Cho nên tất cả những món liên quan đến bò là mình phải bỏ qua hết.
Thật sự trong thực đơn ăn uống của mình bây giờ không biết lựa chọn gì nữa. Quanh đi quẩn lại chỉ là thịt heo và một số loại rau. Mình cảm thấy ăn không hề được ngon miệng một xíu nào.
Suốt cả một khoảng thời gian dài cố gắng kích sữa nhưng không thể nào lên nổi. Bởi vì mình ăn theo quán tính, ăn cho qua bữa chứ không hề có cảm giác thèm ăn. Lúc này lượng sữa của mình nó bị giảm rất nhiều. Tâm lý căng thẳng về chuyện kích sữa, mất ngủ và phải kiêng khem nhiều thứ như vậy nên mình bị thiếu hụt dinh dưỡng. Trước khi mang thai thì sức khoẻ mình cũng đã không được tốt lắm, đến giai đoạn này thì nó càng nặng nề hơn. Bệnh lý cũ nó ngăn cản sự tiết sữa trong cơ thể. Mình bị mất sữa dần và phải quyết định cai sữa cho con.
Thật sự rất là buồn. Mình căng thẳng, stress giống như là bị trầm cảm. Khoảng thời gian cho con bú, sữa ít dần thì bị mọi người phán xét sữa mình bị như này nọ kia. Còn cắt sữa xong thì mình lại stress vì tự dằn vặt bản thân. Mình là một người mẹ tồi. Mình không phải là một người mẹ tốt. Mình không thể cho con uống sữa được một thời gian dài. Mình không duy trì được sữa mẹ cho con như những người mẹ khác.
Thời kỳ mang thai và mới có con mình follow rất nhiều trang, subscribe nhiều kênh. Nội dung tìm hiểu thì liên quan đến chuyện:
  • Kích sữa như thế nào?
  • Làm sao để có nhiều sữa cho con?
  • Làm sao có sữa chất lượng cho con?
Sau khi cai sữa cho con mà lên mạng thấy mẹ này mẹ kia đăng bài về thành quả kích sữa. Khoe về chiến tích đã nuôi con bằng sữa mẹ trong một thời gian dài…..
Tự nhiên tâm lý mình rất căng thẳng. Mình không ngừng tự trách bản thân đã thất bại trong việc làm mẹ. Mình đã không duy trì được cho con một nguồn dinh dưỡng tốt như vậy.
Mỗi lần con bị bệnh là mình lại bị đè nặng bởi suy nghĩ là mình không cho con uống sữa mẹ nên con mới bị bệnh như vậy. Nếu mình có thể duy trì sữa mẹ cho con thì con không bệnh lâu vậy đâu.
Có đợt con sốt khoảng 40 – 41°C mấy ngày liên tục thì mình rất buồn và không ngừng than trách bản thân. Mình cứ nghĩ đến trường hợp nếu còn cho con ti mẹ thì chắc có thể là con ngủ được rồi, con sẽ nhanh hạ sốt hơn….
Khi bình tĩnh lại thì mới biết là mình chỉ mãi nhìn vào những thứ mất đi mà không biết trân trọng những thứ có được. Từ ngày cai sữa cho con thì mình khỏe hơn vì ăn được nhiều món hơn. Mình có thời gian, sức khỏe để chơi và chăm sóc con. Mình quyết định unfollow tất cả những trang đã từng follow để không phải thấy những hình ảnh về sữa mẹ nữa. Bởi vì thông tin đó làm mình suy sụp, không còn được tích cực nữa. Không ít lần mình phải để điện thoại chế độ máy bay để không ai liên lạc với mình cả.
Thật ra, mọi người chỉ gọi với mục đích quan tâm thôi nhưng cảm giác mình giống như bị đụng vào lòng tự ái về nhược điểm bản thân vậy. Nó làm mình không được thoải mái.
 

Kinh nghiệm vượt qua trầm cảm sau sinh

Tìm người phù hợp để chia sẻ


Tìm kiếm người chia sẻ

Phải tìm được người để có thể chia sẻ và đồng cảm với bạn. Đối tượng lý tưởng ở đây phải là người tâm lý, biết lắng nghe và có suy nghĩ tích cực. Nếu chẳng may bạn chia sẻ với một người tiêu cực thì nó sẽ phản tác dụng, dễ bị dẫn đến tình trạng tồi tệ hơn. Không những không giúp bạn giải toả được căng thẳng mà còn dễ làm bạn cảm thấy tiêu cực và có những suy nghĩ bi quan hơn.
Người chia sẻ của mình là chồng. Mình may mắn vì chồng trước giờ là một người tích cực.
Trước khi có con thì tụi mình vẫn có thói quen chia sẻ với nhau hằng ngày.
Khoảng thời gian đầu sau sinh, cả hai vợ chồng bận bịu, mệt mỏi, thiếu ngủ…dồn mọi tâm huyết để chăm sóc em bé sơ sinh. Do đó, chúng mình không còn có điều kiện chuyện trò với nhau nữa.
Có một hôm, con mình ngủ được một giấc khá dài, mình mới có đủ thời gian trải lòng với chồng về những suy nghĩ và khúc mắc trong lòng. Chồng mình lắng nghe và tháo gỡ từ từ từng vấn đề với góc nhìn hoàn toàn khác – góc nhìn của một người đàn ông tích cực.
 
Mình sẽ kể lại sơ bộ một số ý mà chồng đã từng nói:
“Thật sự chăm sóc em bé sơ sinh là một việc rất mệt. Đặc biệt là đối với những cặp vợ chồng nào quyết định tự thân vận động, không nhờ sự trợ giúp của người thân như hai vợ chồng mình. Không biết khoảng thời gian khó khăn này khi nào mới kết thúc. Nhưng biết đâu đến 6 tháng thì con sẽ đỡ. Nếu 6 tháng con chưa đỡ thì có thể một năm sau con sẽ ổn. Mẹ cứ bình tĩnh và chờ đợi. Sau này khi con lớn rồi, mẹ muốn quay lại khoảng thời gian này thì nó cũng không có nữa đâu. Biết đầu bất ngờ, chỉ một khoảng thời gian ngắn nữa là sự khổ cực cũng sẽ qua. Mình lại quay về cuộc sống bình thường, có thể có thời gian nói chuyện vui vẻ với nhau như trước đây. Có điều kiện quan tâm nhau hơn.”

Nghe được vậy, tự nhiên mình cảm thấy gỡ bỏ đi được một phần nào đó trong tâm lý. Chồng mình còn an ủi:
“Ba rất thương má mi. Nhưng mà có những điều ba không thể nào làm thay má mi được, chẳng hạn như cho con ti. Ba chỉ có thể bế con, thay bỉm hay trông con để má mi có thời gian nghỉ ngơi thêm thôi.”
Mình thật sự rất cảm động khi được nghe những lời này. Chồng mình đã rất thương mình trong khoảng thời gian mình bị người này người kia nói về vấn đề sữa mẹ.
Quay trở lại công việc sau một tháng nghỉ ở nhà để chăm vợ con nhưng con vẫn còn quấy khóc rất nhiều. Chồng mình rất lo lắng, hỏi han, quan tâm hai mẹ con từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống.
Sự chia sẻ cũng như những lời động viên tích cực của chồng đã giúp mình vượt qua giai đoạn đó. Giúp cho mình gỡ rối phần nào đó gánh nặng tâm lý trong lòng.
Mặc dù nó không hoàn toàn loại bỏ được một vài suy nghĩ tiêu cực. Nhưng điều đó kết hợp với sự cố gắng của bản thân mình để tập mình suy nghĩ lạc quan thì đến bây giờ mình đã hoàn toàn vượt qua được chướng ngại này rồi.
 

Hít thở không khí bên ngoài


Hít thở không khí trong lành

Nếu được thì bạn có thể đi lòng vòng trong xóm. Mình ở chung cư nên chỉ luẩn quẩn ở hành lang thôi. Mình còn nhớ rất rõ là ngày hôm đó mình xin đi vứt rác thay chồng. Mặc dù căn hộ chỉ cách phòng rác mấy căn hộ khác thôi nhưng đi tới đó cảm giác trong người rất sảng khoái. Nó giống đỡ cảm giác ngột ngạt và bí bách.  Tự nhiên mình cảm thấy tinh thần sảng khoái hơn. Đây là một cách rất hiệu quả.
Em bé được một tháng thì mình được chồng dẫn 2 mẹ con đi uống cà phê ở gần nhà. Lúc đó mình cảm thấy tinh thần tốt hơn hẳn. Cảm giác được phần nào đó quay về cuộc sống bình thường như trước đây. Tâm lý đỡ nặng nề hơn và ăn uống cũng ngon miệng hơn.
 

Đừng kiêng khem quá

Sinh xong mà kiêng khem nhiều quá thì rất dễ làm chúng ta cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng. Kiêng tắm lâu quá sẽ dễ làm cơ thể cảm thấy bứt rứt khó chịu. Không nhất thiết phải gội đầu mỗi ngày nhưng có thể vài hôm thì cứ tắm gội bình thường. Lưu ý là nên tắm nhanh, sấy tóc, lau khô người và chú ý giữ ấm cơ thể.
Về ăn uống thì cũng không nên quá kiêng khem đâu. Như bên trên mình có kể với bạn, em bé nhà mình bị một số vấn đề và mình đã cố gắng ăn kiêng trong một khoảng thời gian dài nhưng con vẫn không có cải thiện bao nhiêu. Ngoài ra, ăn kiêng nhiều món quá có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng cho mẹ. Mẹ ăn không ngon miệng thì sữa khó về nhiều lắm bạn.
 

Mua sắm online

Bạn có thể lướt internet để mua một vài món đồ gì đó như sữa rửa mặt, kem dưỡng da hay vài bộ đồ mới chẳng hạn. Nó sẽ giúp cho tinh thần bạn tốt lên. Phụ nữ thì ai mà không thích shopping đúng không? Hơn nữa, khi nhận được món đồ gì đó mới mẻ thì tâm trạng sẽ vui hơn.
 

Lời kết

Hi vọng bạn viết này sẽ giúp cho mẹ nào đang bị trầm cảm sau sẽ cảm thấy được chia sẻ hơn và nhanh chóng vượt qua thời gian khó khăn.  Còn đối với những mẹ đang chuẩn bị bước vào thời gian sinh nở thì sẽ lường trước được những điều có thể xảy ra để có thể chuẩn bị tinh thần một cách tốt nhất.
Bạn cũng đừng lo lắng quá bởi vì làm mẹ là một thiên chức rất vô cùng thiêng liêng. Bạn chính là người đặc biệt nhất đối với con. Là người có kết nối sớm nhất cũng như chặt chẽ nhất với con.
 
Chào bạn,
Hẹn gặp lại bạn vào những bài viết khác nhé!

Về Chúng Tôi
Brian & Eve

Hi, chào mừng bạn ghé thăm blog của tụi mình. Mình là Thảo (Eve) và chồng mình là Vũ (Brian). Tổ ấm nhỏ của chúng mình vừa chào đón thiên thần đáng yêu Ralph (2022) sau hơn 4 năm về chung một nhà. Đây là nơi tụi mình sẽ cùng nhau ghi lại những chặng đường phát triển của con và những kinh nghiệm có được trong hành trình làm cha mẹ. Song song đó là những trải nghiệm quanh cuộc sống của một gia đình nhỏ tự lập cùng những vấn đề thường nhật hằng ngày qua lăng kính ĐƠN GIẢN HOÁ mọi việc để giúp bạn tự tin hơn, vui vẻ hơn và hạnh phúc hơn. BE SIMPLE. BE HAPPY & hãy cùng là CONSCIOUS PARENTING cùng chúng mình nhé!

Gửi Bình Luận

Trending on the blog