Logo Brian & Eve Family | Be simple. Be happy
Lifestyle

Kinh nghiệm chọn trường mầm non phù hợp cho con và điều kiện kinh tế gia đình

13/12/2023
Kinh nghiệm chọn trường mầm non phù hợp cho con và điều kiện kinh tế gia đình

Bạn nhỏ nào rồi cũng phải đến tuổi đi học, bạn nhỏ nào rồi cũng phải đến lúc rời xa vòng tay ba mẹ để đến cánh cổng đầu tiên của cuộc đời - đó là cánh cổng của trường mầm non. Cái gì mà đầu tiên thì nó cũng đều rất khó khăn, không chỉ đối với bé mà ba mẹ cũng sẽ gặp nhiều những băn khoăn, lo lắng: Liệu con mình có phù hợp với môi trường đó hay không? Bé có hòa nhập được không? Bé ăn, chơi, ngủ, nghỉ như thế nào? Bé có được các cô chăm sóc tốt không?

 

Mình cũng là một người mẹ, từng trải qua những cảm giác đó rồi. Cho nên mình sẽ tổng hợp những kinh nghiệm của mình thành 1 series chia sẻ về “Những kinh nghiệm khi cho con đi học”, và mở đầu cho series này sẽ là bài viết hôm nay “Kinh nghiêm chọn trường mầm non cho con”. Mình tin là những dấu ấn đầu tiên khi bắt đầu đi học rất quan trọng nên ai cũng sẽ muốn chọn cho con 1 ngôi trường phù hợp để những bước đi đầu tiên của con có khởi đầu tốt đẹp nhất, để lại trong tâm trí con những ký ức vui vẻ nhất khi đến trường. Cho nên bây giờ thì tụi mình sẽ cùng đến với những tiêu chí khi chọn trường song song đó sẽ là những kinh nghiệm của mình, bạn đừng bỏ lỡ mục nào nha.

Ngoài ra bạn có thể tham khảo phiên bản video tại đây nhé:

 


​​​​​​​Loại trường


- Chung chung đơn giản thì có 2 nhóm chính cho bạn lựa chọn: trường công và trường tư. Bạn cần xác định muốn cho con học loại trường nào, và nhận biết các ưu nhược điểm của từng loại trường.

- Ưu điểm lớn nhất của trường cônghọc phí thấp, ko gian trường to và rộng, nhưng thường là lớp đông học sinh, ít giáo viên, ít có sự linh hoạt, mục tiêu tiếng việt là chủ yếu.

- Đối với trường công, thì trong khu vực sẽ không có nhiều trường, nên bạn sẽ dễ tìm được trường phù hợp cho con. Cho nên trong khuôn khổ bài viết này, mình sẽ đưa ra những tiêu chí chủ yếu là kinh nghiệm khi bạn chọn trường tư.

- Trường tư thì có nhiều phân khúc khác nhau tuỳ theo giá, ví dụ trường song ngữ, trường quốc tế, trường theo 1 phương pháp giáo dục nào đó như là trường montessori….

- Trường tư thì học phí có thể sẽ cao hơn, nhưng lớp sẽ ít học sinh, nhiều cô giáo, ko gian sạch sẽ, có nhiều phương pháp giáo dục hiện đại, có nhiều khu vực vui chơi hoạt động khác nhau, và sẽ thường có giờ cho ngôn ngữ thứ 2 là tiếng anh, tuỳ mức học phí thì giờ học tiếng anh ở mỗi trường tư sẽ khác nhau.

Chi phí


Trường công thì có thể chi phí sẽ từ 1-3 trệu
Trường tư sẽ tầm từ 3 triệu trở lên, có 1 số mức bạn có thể chia ra để lựa chọn:

3-5 triệu
5-7 triệu
7-10 triệu
10-15 triệu
15-20 triệu
và thậm chí vài chục đến cả trăm triệu...

Về phần chi phí học, bạn cần lựa chọn được khoảng tiền phù hợp với gia đình. Không chỉ trong thời gian ngắn mà cần phải phù hợp trong thời gian dài nếu như có trường hợp đặc biệt gì đó xảy ra. Ví dụ năm nay bạn có thể cho con học trường 10-15 triệu nhưng năm sau thì không chắc, thì bạn nên giảm xuống 1 chút để có chuyện gì con cũng sẽ đỡ phải thay đổi môi trường quá đột ngột. 

Vị trí


Để xác định khoanh vùng được vị trí mong muốn thì bạn sẽ cần thống nhất về người đưa đón bé đi học: có thể là ba, mẹ, ông bà…..? Từ đó sẽ có 1 số phương án cho bạn lựa chọn:

- Gần nhà?
- Gần công ty ba?
- Gần công ty mẹ?
- Tiện đường đi làm của ba hoặc mẹ?
- Tiện đường đưa đón của ba mẹ?

Gia đình mình thì mình hoặc là cả vợ chồng mình sẽ là người đưa đón bé

Mình có 2 kinh nghiệm về chọn vị trí trường học cho bé là:

- Thứ nhất là không nên chọn trường quá xa, phải di chuyển lâu, vì bé còn nhỏ, đi xa sẽ mệt, chưa kể kẹt xe, mỗi ngày đến lớp đều mệt, vào những ngày mưa gió sẽ rất vất vả. 

- Thứ hai nên chú ý chọn ngôi trường hay đường đi đến trường càng thân thuộc với bé, bé sẽ càng cảm thấy yên tâm, đỡ sợ và dễ chấp nhận hơn. Vì khi bé bắt đầu đi học, không ở với ba mẹ như thường ngày đó đã là một sự thay đổi lớn với bé rồi. Khi mọi thứ thay đổi quá đột ngột bé sẽ khó tiếp nhận.

Dù bạn đi làm ở đâu, xa hay gần,  thì bạn cũng phải chạy về nhà. Cho nên ưu tiên của mình là trường phải gần nhà. Mình may mắn là ở chung cư, có trường học ngay bên dưới chung cư, nên hầu như đường đến trường rất gần và cũng đã rất quen thuộc với bé từ nhỏ đến lớn, nên nói về sự thay đổi nó cũng sẽ không làm bé bị thay đổi quá nhiều.

Cho nên nếu bạn có ý định sắp tới cho con đi học trường nào, thì trước 1 khoảng thời gian bạn có thể cho con quen quen với con đường đến đó một chút, để khi đi học con sẽ vẫn cảm thấy có gì đó quen thuộc.

Phương pháp giáo dục


Tuỳ vào chủ trương của mỗi ngôi trường cũng như tuỳ loại trường sẽ theo đuổi một phương pháp giáo dục khác nhau. Các trường tư thường áp dụng những phương pháp giáo dục hiện đại mà các bạn thường nghe nhiều nhất bây giờ là kiểu montessori, Reggio Emilia, Glenn Doman...

Dù cùng là trường tư nhưng những trường theo kiểu Nhật sẽ khác với những trường theo kiểu Âu Mỹ hay Úc…Tuỳ vào định hướng giáo dục bạn hướng tới, bạn có thể tìm những trường phù hợp. Tuy nhiên, bạn nên chọn trường nào có phương pháp giáo dục tương đối hoặc na ná với phương pháp chăm sóc con ở nhà từ trước đến nay để bé dễ thích nghi, cũng như không làm bé bị xáo trộn khi ở nhà và trường giáo dục theo 2 cách khác nhau. 

Thời gian giữ em bé


Đôi với những ba mẹ đi đón con và phải đi làm, thì bạn cần chú ý về thời gian đưa đón con ở mỗi trường học. Trường sẽ nhận học sinh lúc mấy giờ? Đón bé lúc mấy giờ? Có giữ ngoài giờ lỡ như ba mẹ đi làm về trễ không? Qua mấy tiếng là tính thêm phí ngoài giờ? Phí ngoài giờ bao nhiêu? Có giữ trẻ ngày thứ 7 không? Kỹ hơn nữa thì bạn có thể hỏi về những ngày nghỉ lễ, tết….

Tìm kiếm và lọc trường theo đúng tiêu chí


- Sử dụng Google, bạn có thể gõ từ khoá, “top những trường mầm non ở khu vực bạn mong muốn ở đây mình ví dụ là quận tân phú”, sau đó bạn có thể vào trang web https://kiddihub.com/ mình thấy khá ổn về tổng thể. Nó không quá chi tiết nếu mình lọc theo phường. Bạn cứ chọn lọc theo quận, sau đó vào bộ lọc của trang web lựa chọn lọc thêm 1 số tính năng ví dụ phương pháp giáo dục, loại trường, chi phí, độ tuổi, thời gian đưa đón…. Trang web sẽ đưa ra cho bạn một số kết quả phù hợp. Tuy nhiên bạn có thể cần phải xem thêm một số cách khác vì có thể website này không thống kê được đầy đủ tất cả các trường ngay tại thời điểm bạn tìm kiếm. Kỹ hơn thì bạn nên chọn lọc ra một số trường bạn thấy ổn ở trên trang web này. Kết hợp thêm 2 cách dưới đây để biết thêm 1 số trường học:

- Thông qua những phụ huynh quen biết gần nhà
- Bạn đi xung quanh khu vực mình sinh sống và từng thấy được 

Sau đó chọn ra một vài trường đáp ứng được những tiêu chí của các bạn

Thông tin trường


- Sau khi đã lựa chọn được một vài ngôi trường phù hợp thì bạn nên tìm hiểu thêm về thông tin của những trường này. Đơn giản nhất là thông qua các mạng xã hội, Google, Facebook… để biết thông tin cơ bản của trường mầm non như  thời gian thành lập, hình ảnh trường học, nếu có review của các phụ huynh khác thì càng tốt. Đương nhiên là trên hình thì khi nào nhìn cũng sẽ sạch sẽ, lung linh hơn. Nên càng có nhiều hình ảnh thì bạn sẽ càng biết được tổng quan về trường đó hơn.

- Để tìm hiểu thông tin về trường học ngoại việc tìm kiếm qua mạng bạn cũng có thể biết được thông qua hàng xóm gần nhà có con đi học ở ngôi trường đó, xem con họ học trường đó bao lâu rồi? Phụ huynh nhận xét gì về trường? Biểu hiện của em bé đó như thế nào? Có năng động, vui vẻ không? Có sợ đi học không? 

- Nếu bé nhà bạn có quen biết với em bé nào đang học trong trường đó, thì sẽ càng giúp bé đi học dễ hơn, vì càng có nhiều bạn quen thi bé sẽ càng cảm thấy thân thuộc.

- Hoặc bạn có thể tìm hiểu bằng cách đến xem trực tiếp  những giờ ba mẹ đưa đi học, xem các em bé đến học có khóc nhiều không,….để từ đó có thêm nhiều dữ liệu đánh giá ban đầu.

Tham quan trường lớp


- Nên đến tham quan 1 trường lớp tầm 2-3 lần và mỗi lần sẽ vào những khung giờ khác nhau trong ngày.

- Nên tham quan tất cả các lớp học gần xung quanh độ tuổi với con, chứ không chỉ đúng với độ tuổi con bạn thôi, một chút xíu mình sẽ nói lí do vì sao?

Sẽ có một số tiêu chí bạn cần quan tâm:

- Xem tất cả phòng ốc, cơ sở vật chất, cần tham quan luôn cả nhà vệ sinh, nhà ăn, cầu thang lên xuống, chốt khoá có an toàn không, sạch sẽ không…..Đặc biệt là không gian lớp học. Đối với những em bé hơi nhạy cảm về không gian hẹp và rộng. Thông thường thì cơ sở vật chất trường học hay đi kèm vs chi phí học hàng tháng, chi phí càng cao thì thường cơ sở vật chất càng tốt và không gian càng sạch sẽ, nhưng mỗi chuẩn mỗi người mỗi khác nhau, kinh tế mỗi người mỗi khác nhau. 

- Lịch sinh hoạt mỗi ngày: thường sẽ có bảng biểu cho các bạn tham khảo.

Bạn nên hỏi cô quản lý trường mầm non cho bạn xem trước về lịch sinh hoạt. Bạn sẽ phần nào đánh giá được mức độ  phù hợp với lịch của con bạn ở nhà. Ví dụ thời gian ăn, ngủ, và nếu sau này bạn chọn trường lớp nào cho con, thì khi chưa đi học bạn có thể thay đổi lịch ở nhà để làm sao phù hợp vs lịch học trên trường để sau này bé nhanh bắt nhịp.

- Dinh dưỡng: bạn có thể hỏi người phụ trách gửi cho bạn xem về thực đơn của cả tuần mỗi lớp học. Tuy nhiên bây giờ hầu hết thực đơn nơi nào cũng phong phú hết, nhưng kỹ hơn bạn nên đến tham quan vào những giờ ăn của các bé, để xem khẩu phần ăn thực tế như thế nào? Và nên hỏi về trường hợp nếu lỡ con bạn bị dị ứng món nào trong thực đơn thì trường sẽ có phương án nào không?

- Xem các hoạt động trong lớp giữa cô và bạn nhỏ khác, đây là yếu tố rất quan trọng. Xem các cô giải quyết các tình huống thường gặp ví dụ như bé không chịu ăn, các bạn nhỏ đánh nhau,…. như thế nào? Các cô nói chuyện với các con thế nào? Các bé có sợ cô giáo không? Có quấn cô giáo không? Các cô và các bé có thân nhau không? Ánh mắt cô nhìn các con như thế nào??…. Giọng nói của các cô âm lượng ra làm sao?

- Nên hỏi người dẫn đi tham quan về các cô trong từng lớp. Ấn tượng ban đầu bạn gặp cô giáo đặc biệt là khi cô đối xử với các bạn nhỏ khác sẽ là yếu tố rất quan trọng để bạn đánh giá. Phần lớn các con đi học khó khăn, bé khóc nhiều vì bé không tìm thấy sự yên tâm. Cô giáo là người sẽ trực tiếp ở cùng con 8h/ ngày nên vai trò lại càng rất quan trọng. 

- Có thể các cô đều rất tốt, nhưng mỗi người sẽ có tính cách khác nhau, có độ nhẹ nhàng khéo tay khác nhau, hay nét mặt cũng khác nhau. Bạn rất nên cân nhắc yếu tố này, vì trước giờ con bạn có sở thích như thế nào? Tình huống nào con cảm thấy yên tâm hơn thi bạn phải là người hiểu rõ nhất. Ví dụ con mình thường trước giờ sẽ thích gần gũi với những cô trẻ tuổi hơn cô lớn tuổi, và thích những cô có nét mặt hiền, nhẹ nhàng. Nhìn người nào hơi khó một xíu thì bé sẽ không thích. Bé thích năng động, giọng nói lớn bé cũng sẽ khó gần, ngay cả phần ánh mắt nhìn con cũng sẽ có những sở thích và đánh giá riêng của mình.
- Cho nên mặc dù con mình đi học lúc hơn 19 tháng, nhưng bé lại học một lớp khác có các bạn hơn bé vài tháng. Vì mình nghĩ có thể con sẽ chịu gần với  những cô lớp đó hơn.

- Nếu như con bạn lớn hơn thì khi đi tham quan trường lớp bạn có thể cho bé đi theo cùng để quan sát xem bé có thể hợp môi trường nào và đưa ra quyết đinh phù hợp.

Trao đổi thẳng thắn với nhà trường:


- Bạn nên nói thẳng những mong muốn, nguyện vọng, những lo lắng của bạn.

- Nói về tính cách của con cũng như cách giáo dục con mà bạn đang áp dụng ở nhà (chẳng hạn không đòn roi, không nói dối, k dụ dỗ…) vs người phụ trách, để ban đầu hai bên sẽ có sự thấu hiểu, kết nối với nhau dễ hơn. 

Chọn trường và Chọn lớp:


Sau khi đã thực hiện các bước và tham khảo các trường thì bạn sẽ có nhận định  được trường có thể phù hợp với bé. Tiếp theo sẽ đến bước chọn lớp.

Kinh nghiệm của mình là không chỉ tham quan lớp đúng với độ tuổi của con, mà những lớp gần độ tuổi với con mình cũng tham quan hết. Vì mỗi bé thì sẽ có một tính cách khác nhau. Mỗi độ tuổi thì sẽ có những hoạt động trong lớp khác nhau. Có những độ tuổi bé nhỏ, cô giáo sẽ thiên về việc chăm sóc nhiều hơn, trong khi đó có những lớp lớn hơn thì sẽ hay có nhiều hoạt động thể chất hơn. Bạn nên tham quan hết các lớp để có thể nhận định ban đầu và tính cách của con nếu học trường đó sẽ phù hợp vs lớp học nào.

Nếu con phải chuyển trường thì sẽ xử lý như thế nào?


- Bạn cần trao đổi với nhà trường về việc nếu con bạn không phù hợp có thể phải chuyển trường thì chi phí bạn đóng sẽ được hoàn lại như thế nào? Hoặc nếu bạn lo lắng con không phù hợp, thì ban đâu có thể chọn hình thức đóng theo tháng thay vì theo quý hoặc theo năm. Và đương nhiên theo quý và năm thì tính ra sẽ rẻ hơn đóng theo tháng, nhưng để chắc ăn ban đầu không biết con học được như thế nào thì bạn có thể đóng theo tháng cho đơn giản, khi nào con học ổn, ổn định rồi bạn có thể đóng theo quý hoặc theo năm. 

Nên chọn trường mầm non có camera hay không có camera?


Trước khi có con đi học thì mình nghĩ vấn đề này rất quan trọng. Nhưng bây giờ đối với mình thì lại không quan trọng lắm. Có cũng được mà không cũng chẳng sao. Chỉ có điều, nếu con đang theo học nhà trẻ có camera  thì lúc mình rảnh, mình nhớ có thể lên xem con. 

Cái nào cũng sẽ có mặt lợi và hại. Nếu có camera thì có thể nhiều mẹ sẽ lo. Các mẹ sẽ tập trung vào việc xem camera quá nhiều giống như mình ban đầu. Không làm được việc gì hết trong nhiều ngày. Nhưng bạn cần hiểu là con cũng cần phải đến trường, con cũng phải cần tiếp xúc với môi trường xung quanh thay vì chỉ mỗi mình ba mẹ. Dần dần sau khi bé đi học một thời gian ngắn thôi bạn sẽ thấy con phát triển và con học được rất nhiều thứ, con cũng dạn dĩ, tự tin, tự lập hơn. 

Còn việc nếu bạn muốn xem camera thường xuyên vì sợ cô đánh hay bạo hành gì bé thì mình nghĩ cũng không quan trọng đâu. Tại sao? Tại vì cho dù trường có lắp camera đi chăng nữ thì cũng không thể nào quan sát được hết tất cả các ngóc ngách trong lớp học. Nếu  thật sự lỡ như có cô giáo nào mà lương tâm nghề nghiệp không tốt thì rất khó phát hiện. Thay vì vậy, chỉ có cách là trước khi đưa bé đi học hay khi tắm bé, thì ba mẹ chú ý quan sát con thật là kỹ, để xem trên cơ thể con có vấn đề gì bất thường hay không.

Tiêu chí nào quan trọng nhất quyết định lựa chọn trường mầm non phù hợp với bé?


Trong tất cả những tiêu chí mình đưa ra khi lựa chọn trường học thì bản thân mình quan tâm nhất đó là yếu tố về giáo viên. Việc lựa chọn được giáo viên trực tiếp chăm sóc con phù hợp là bạn đã  gần như yên tâm được phần nhiều rồi. Khi con rời xa vòng tay ba mẹ đến trường. Người mẹ trao con đầu tiên là cô giáo, và con sẽ rất bám cô lúc thời gian đầu. Nếu cô quan tâm, chăm sóc, yêu thương và cô làm con cảm thấy yên tâm, an toàn thì con sẽ nhanh hết khóc và chấp nhận việc đi học hơn. Nên nếu tất cả các yếu tố khác đều phù hợp nhưng mình chưa tìm được giáo viên phù hợp thì chắc chắn mình sẽ vẫn chưa lựa chọn gửi con đến trường. Ban đầu đi học bạn nào cũng khóc, chỉ khác là khóc ít hay khóc nhiều, rất hiếm bạn nào không khóc, bé khóc vì có thế bé chưa chấp nhận, hoặc có thể do cô và lớp chưa phù hợp với bé. Bé cảm thấy không an toàn. Nhưng nếu như bạn cho con học một ngôi trường mà con quá sợ cô giáo thì nên tìm hiểu nguyên nhân và tìm một nơi khác phù hợp hơn cho con. Đôi khi không hẳn vì cô không tốt, không thương bé đâu. Bởi tại vì mỗi bé cá tính khác nhau nên một số cô sẽ ko phù hợp với bé mà thôi. Vì vậy hãy luôn bình tĩnh và nhìn theo hướng tích cực để giải quyết vấn đề nhé.

Chúc ba mẹ sẽ tìm được một trường lớp phù hợp cho con yêu!

 


Về Chúng Tôi
Brian & Eve

Hi, chào mừng bạn ghé thăm blog của tụi mình. Mình là Thảo (Eve) và chồng mình là Vũ (Brian). Tổ ấm nhỏ của chúng mình vừa chào đón thiên thần đáng yêu Ralph (2022) sau hơn 4 năm về chung một nhà. Đây là nơi tụi mình sẽ cùng nhau ghi lại những chặng đường phát triển của con và những kinh nghiệm có được trong hành trình làm cha mẹ. Song song đó là những trải nghiệm quanh cuộc sống của một gia đình nhỏ tự lập cùng những vấn đề thường nhật hằng ngày qua lăng kính ĐƠN GIẢN HOÁ mọi việc để giúp bạn tự tin hơn, vui vẻ hơn và hạnh phúc hơn. BE SIMPLE. BE HAPPY & hãy cùng là CONSCIOUS PARENTING cùng chúng mình nhé!

Gửi Bình Luận

Trending on the blog