Logo Brian & Eve Family | Be simple. Be happy
Giáo dục

Niềm Tin "Thông Minh Là Do Gen" Đang Kìm Hãm Bạn

12/08/2024
Niềm Tin
Chào bạn,
 
Có bao giờ mà bạn tự hỏi là tại sao có những đứa trẻ dễ dàng học giỏi ngay từ khi còn bé trong khi số khác lại chật vật và cần phải cố gắng nhiều hơn?
Có người tin rằng là do gen di truyền!
Ngoài gen di truyền thì liệu rằng chúng ta cần chú ý đầu tư môi trường giáo dục và một vài yếu tố khác để cải thiện trí thông minh chăng?
 
Bạn có thể tham khảo video tại đây nhé:
 
 

Các loại hình trí thông minh


Các loại hình trí thông minh ở con người

Khi nhắc đến một đứa trẻ thông minh thì số đông chúng ta sẽ nghĩ đây là những bạn nhỏ có thể tiếp thu nhanh chóng, có lượng kiến thức rộng và đạt được thành tích cao trong những môn về tư duy logic như toán học chẳng hạn. Hoặc là những bạn có khả năng giải quyết vấn nhanh chóng.
Trong một khía cạnh nào đó thì có thể nói đây là những đứa trẻ có chỉ số IQ cao. Tuy nhiên, về mặt khoa học thì khi nói đến trí thông mình người ta sẽ dựa trên thuyết đa tuệ. Thuyết đa tuệ được nghiên cứu và công bố bởi tiến sĩ Howard Gardner. Ông là Giáo sư tại trường đại học Harvard. Năm 1983, ông đã xuất bản cuốn sách có tiêu đề là Frames of Mind. Ông kết luận là con người chúng ta sẽ có 8 loại hình trí thông minh khác nhau. Mặc dù bây giờ bạn có thể tìm thấy đâu đó một vài tài liệu khác sẽ nhắc đến 9 loại hình trí thông minh. Thực tế thì nó vẫn sẽ dựa trên thuyết đa tuệ của tiến sĩ Howard. Tám loại hình trí thông minh này sẽ bao gồm:
  • Trí thông minh về mặt không gian
  •  Âm nhạc
  • Toán học
  • Tương tác thể chất
  • Ngôn ngữ
  • Nội tâm
  • Thiên nhiên
Điều này đồng nghĩa với việc nếu con bạn đạt điểm hay thành tích cao ở một hạng mục nào đó thì không nhất thiết là ở những hạng mục còn lại con cũng sẽ làm được như vậy.
Tiến sĩ Howard Gardner cũng đưa ra kết luận là trí thông minh thì không thể được đánh giá chỉ duy nhất thông qua chỉ số IQ. Đến nay cũng đã có rất nhiều nhà khoa học đồng tình với quan điểm này.
 

Trí thông minh có phải là do gen di truyền hay không?


Thông minh có phải do gen di truyền hay không

Quay ngược thời gian trở lại một chút để chúng ta có thể nhìn nhận sâu sắc hơn về sự phát triển của con người. Từ xa xưa thì các nhà khoa học đã đặt ra một số câu hỏi lớn:
  • Tại sao mỗi người trong số chúng ta đều rất khác nhau?
  • Tại sao có những người lại thông minh hơn so với những người còn lại?
  • Điều gì làm cho những người có trí thông minh vượt trội trở nên khác biệt?
Những sự khác biệt này ban đầu được cho là do những vết sưng trong hộp sọ hay còn gọi là kích thước và hình dạng hộp sọ khác nhau. Ngày nay thì nhiều người cho rằng là do gen di truyền.
Tuy nhiên, một số khác thì lại cho rằng sự khác biệt này là do môi trường, cách giáo dục và phương pháp học tập của từng cá nhân mỗi con người. Người ủng hộ cho quan điểm này chính là Alfred Binet. Alfred Binet chính là người phát minh ra bài kiểm tra chỉ số IQ.
Chẳng phải bài kiểm tra chỉ số IQ dùng để đo trí thông minh không thay đổi ở trẻ em hay sao?
Thực tế thì nó lại không phải như vậy.
Alfred Binet là một nhà tâm lý học người Pháp. Ông làm việc tại Paris vào đầu thế kỷ thứ 20. Ông thiết kế ra những bài kiểm tra chỉ số IQ nhằm mục đích xác định những đứa trẻ không được hưởng lợi gì từ phương pháp giáo dục lúc bấy giờ tại các trường công lập ở Paris. Từ đó ông có thể thiết kế ra những chương trình giáo dục mới để giúp cho học sinh phát triển đúng hướng hơn. Đồng tình với quan điểm này thì có Robert Sternberg, một bậc thầy về trí thông minh ngày nay. Ông kết luận rằng yếu tố chính để giúp cho một người có thể giỏi trong một lĩnh vực nào đó hay không thì không nằm ở khả năng cố định ban đầu. Bạn có thể hiểu nôm na là nó không nằm ở gen di truyền mà quan trọng ở chỗ rèn luyện. Điểm mấu chốt là bạn có nỗ lực một cách có mục đích cho công việc đó hay không.
Vậy thì có thể hiểu gen di truyền không phải là yếu tố chính để quyết định đến sự thông minh trông suốt cả cuộc đời của một con người. Tuy nhiên nó sẽ chiếm một phần nào đó. Theo bạn thì gen di truyền sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm?
Hiện nay thì chưa có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này. Các nhà khoa học vẫn ước lượng đâu đó là 50%.
Tuy nhiên trí thông minh sẽ thay đổi theo thời gian. Như ông Alfred Binet đã từng nói: Không phải lúc nào người khởi đầu thông minh nhất cũng sẽ là người thông minh nhất.
Mỗi người thì sẽ có một nguồn gen di truyền riêng. Cho nên chúng ta sẽ bắt đầu với những tính cách và những năng lực riêng. Thông qua sự nỗ lực, cố gắng cũng như là kinh nghiệm sống mới là những yếu tố giúp chúng ta đi hết chặng đường còn lại. Bằng sự rèn luyện, học hỏi và quan trọng nhất là phương pháp thì mới giúp chúng ta có thể nâng cấp trí nhớ, tăng khả năng phán đoán. Nói theo nghĩa đen là sẽ giúp chúng ta trở nên thông minh hơn.
Nói như vậy không có nghĩa là ông Alfred đã phủ nhận đi tất cả những sự khác biệt trong trí tuệ dựa vào nguồn gen di truyền ban đầu. Điểm mấu chốt là ông tin rằng nếu có một phương pháp giáo dục tốt hơn hoặc môi trường phù hợp thì sẽ mang lại những thay đổi cơ bản về trí thông minh. Đây là trích dẫn mà bạn có thể tìm thấy trong cuốn sách nổi tiếng của ông “Modern Ideas About Children”.
Mặc khác, những năm gần đây thì chắc bạn cũng từng nghe đến thông tin là chúng ta chỉ mới đang sử dụng rất ít trong khả năng của bộ não. Đâu đó chỉ khoảng 10% thôi. Có người tin, có người không tin, có người lại phản bác. Nhưng thực tế thì khoa học đã chứng minh là bộ não có thể học tập suốt đời và có thể phát triển hơn rất nhiều so với chúng ta từng tưởng tượng.
Bạn nghĩ sao nếu như điều này trở thành sự thật?
Nếu bạn có thể khai phá tiềm năng bộ não cho con sớm thì có phải là con bạn sẽ trở nên vượt trội so với những đứa bạn đồng trang lứa hay không?
Trên thế giới không hiếm những trường hợp khi còn bé chỉ được xem là những đứa trẻ rất là bình thường nhưng sau này lại trở thành bậc thầy trong một lĩnh vực nào đó. Thậm chí rất nhiều năm về sau người ta vẫn còn phải nhắc lại những người này như Darwin, Tolstoy…. và còn rất là nhiều người khác nữa.
 

Yếu tố quyết định trí thông minh


Yếu tố ảnh hưởng đến sự thông minh ở trẻ

Có 4 yếu tố để quyết định đến trí thông minh:
  • Gen di truyền di truyền
  • Môi trường
  • Cách giáo dục
  • Dinh dưỡng
Vậy thì muốn thay đổi trí thông minh thì phải tác động vào những yếu tố ảnh hưởng đến trí thông minh. Mình sẽ lần lượt phân tích qua 4 yếu tố này nhé:
 

Yếu tố gen di truyền

Gen di truyền thì gần như là chúng ta không thể can thiệp được. Trừ một số trường hợp đặc biệt thì người ta chọn lọc tinh trùng và trứng. Với sự phát triển của y học ngày nay thì người ta hoàn toàn có thể kiểm tra và lựa chọn những nhiễm sắc thể, ADN tốt để dành cho việc thụ tinh. Tuy nhiên trong bài viết này mình sẽ không đề cập đến vấn đề này vì nó liên quan đến việc con người đang can thiệp vào sự chọn lọc tự nhiên. Nó cũng liên quan nhiều mặt của y khoa cũng như đạo đức y học nên mình không phải là chuyên gia trong ngành để mà có đủ kiến thức chuyên môn và trải nghiệm để bàn về vấn đề này. Nếu bạn quan tâm về chủ đề này thì có thể đọc cuốn sách “The Gene: An Intimate History” của tác giả Siddhartha Mukherjee nhé.
 

Yếu tố môi trường

Từ khi được sinh ra thì cái mà con tiếp xúc đầu tiên là môi trường gia đình.
Vậy thì làm sao tác động đến yếu tố môi trường để giúp con thông minh hơn?
Đầu tiên và quan trọng nhất là bạn phải tạo cho con được sống trong một môi trường an toàn và hạnh phúc. Để con có thể an tâm tận hưởng cuốc sống và phát triển não bộ.
Bạn nên dành thật nhiều thời gian bên con, chơi với con, tương tác và sáng tạo cùng con bằng những trò chơi thể chất hay trò chơi phát triển trí thông minh. Có lẽ mình sẽ có một bài viết khác làm riêng về chủ đề này sau.
 

Yếu tố dinh dưỡng

Chắc bạn cũng đã biết rằng dinh dưỡng có sự ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Sự thay đổi trong chế độ dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng một phần nào đó đến trí thông minh mỗi người.
Một đứa trẻ bị suy dinh dưỡng hay có những vấn đề về sức khỏe thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều đến sự phát triển trí thông minh.
Quan tâm đến phát triển trí nhớ thì bạn nên lưu ý đối với chất sắt. Sắt đã được nghiên cứu là có ảnh hưởng đến trí nhớ của con người, đặc biệt là trẻ em. Trong video học làm cha mẹ từ series giáo dục trên Netflix thì mình có chia sẻ một nghiên cứu nhỏ trong series. Bạn có thể tham khảo lại video đó nha.
 

Yếu tố giáo dục


Yếu tố giáo dục ảnh hưởng đến sự phát triển trí thông minh

Đây thực sự là yếu tố mà mình rất muốn phân tích chuyên sâu.
Nói đến giáo dục con thì thông thường mọi người sẽ xem kinh nghiệm từ những mẹ khác trên mạng, đọc sách hoặc tham gia các khóa học. Quan điểm cá nhân mình thì nếu như bạn chỉ dựa vào những điều này thôi thì vẫn chưa đủ. Bởi vì không có tài liệu nào sẽ đưa ra tường tận tất cả những tình huống có thể xảy ra giữa mẹ con bạn hết. Tất cả đều là tình huống tham khảo kiểu như nếu con làm thế này thì bạn cần phải đối đáp lại con thế kia….
Nếu chỉ học những điều này một cách máy móc thì sẽ đến lúc bạn rơi vào tình huống không biết phải xử lý như thế nào. Bạn sẽ không biết phải cư xử sao cho đúng mực. Không biết làm sao để giáo dục con đúng hướng.
 

Tư duy phát triển vs tư duy cố định


Tư duy phát triển vs tư duy cố định

Có một vấn đề vô cùng quan trọng và cũng là yếu tố tiên quyết trong việc giáo dục con xuyên suốt cả hành trình mà rất nhiều người vô tình bỏ qua đó chính là xem lại bản thân mình.  Việc xem lại bản thân và sẵn sàng thay đổi sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái và tự tin hơn để có thể giáo dục con trong suốt chặng đường dài. Dù cho có tình huống gì xảy ra trong cuộc sống thì bạn cũng có thể tự tin giao tiếp và  đối đáp lại với con.
Tại sao mình lại dám khẳng định như vậy?
Hãy cùng thử tư duy ngược lại một chút.  Bạn có thể tạm hiểu là chúng ta đang có một vấn đề cần giải quyết là làm sao để con thông minh hơn?
Muốn con thông minh hơn thì con phải học giỏi ít nhất là một hoặc nhiều lĩnh vực. Muốn con giỏi thì con phải biết nhiều trước đã. Muốn biết nhiều thì con phải học nhiều về lĩnh vực đó. Muốn học nhiều thì con phải thích học và thích vượt qua thử thách. Muốn con là một đứa trẻ thích thử thách thì con phải có tâm lý không sợ thất bại. Muốn con không sợ thất bại thì chúng ta phải giúp con xây dựng được tư duy phát triển càng sớm càng tốt. Để có thể giúp con xây dựng tư duy phát triển thì bạn cần phải quan tâm tới việc giáo dục hàng ngày để con ý thức đúng từ những vấn đề gần gũi trong cuộc sống. Từ đó sẽ định hình được tư duy đúng đắn cho con ngay từ đầu.
Để có thể giáo dục con đúng hướng thì ba mẹ phải là người có tư duy đúng đắn trước đã.
Vậy thì tư duy như thế nào được gọi là tư duy đúng?
Tư duy đúng có nghĩa là chúng ta phải hướng mình đến sự phát triển. Có như vậy thì chúng ta mới có thể giỏi hơn từng ngày.
Có nghĩa là nếu chúng ta đang có kiểu tư duy nào đó cố định thì cần phải thay đổi thành tư duy phát triển. Bạn có thể tạm hiểu tư duy cố định là kiểu tư duy mà nó hơi hướng tiêu cực còn tư duy phát triển là những tư duy mang hướng tích cực hơn.  Mình sẽ đưa ra một ví dụ cho bạn tham khảo nhé:
Chồng mình có một người đồng nghiệp. Anh đồng nghiệp này có một đứa con trai 10 tuổi. Một ngày nọ, anh này gọi đứa con trai lại và hỏi:
Ủa, sao con với thằng An, hai đứa chơi thân với nhau lắm nhưng tại sao An học giỏi toán vậy mà con lại không được như vậy?
Tại sao lại kì vậy?
Đứa con ngây ngô trả lời: Tại vì ba nó hồi xưa học giỏi hơn ba đó
.
Trong trường hợp này sẽ có 2 tình huống xảy ra:
Tình huống 1: Đối với ba mẹ có tư duy cố định thì sẽ suy nghĩ “con nói cũng có lý, chắc vậy rồi…”
Tình huống 2: Đối với ba mẹ có tư duy phát triển
Con biết sao không? Hồi xưa ba thằng An dành nhiều thời gian học toán nên ba thằng An học giỏi toán lắm. Cho nên giờ ba thằng An sướng hơn ba nhiều. Ba mong con đừng sai lầm giống ba hồi trước, hãy nỗ lực học toán để có nhiều kiến thức, có được cơ hội đóng góp nhiều cho xã hội hơn và cũng sẽ có cuộc sống thoải mái hơn."
 
Trên đây là một ví dụ mà chúng ta thường gặp trong cuộc sống gia đình hằng ngày. Nếu chúng ta là những bậc làm cha mẹ có tư duy cố định thì rất khó có thể giúp con khám phá hết khả năng của mình. Nói cách khác nếu bạn có sẵn kiến thức và nội lực bên trong thì mới có thể thể hiện, đối đáp với con trong từng tình huống cụ thể.
Nếu vẫn nuôi con, giáo dục con bằng tư duy cố định thì ngày qua ngày con sẽ được bồi dưỡng theo triết lý đó. Con sẽ có xu hướng ngầm hiểu rằng những suy nghĩ đó là đúng, là hiển nhiên.
Trong tình huống ví dụ trên nếu bạn không giải thích được cho con thì từ từ khi con lớn lên thì con lại càng bị lệ thuộc vào suy nghĩ sai lầm:
  • Mình không giỏi vì không có gen di truyền thông minh.
  • Mình không làm được không phải là do mình không cố gắng mà là do không có gen tốt.
Phải thừa nhận một điều là bản thân mình đã từng là một người có tư duy cố định trong rất nhiều nằm. Mình vẫn đang cố gắng thay đổi tư duy này sang tư duy phát triển. Nó không những mang lại lợi ich cho mình mà còn mang lại nhiều giá trị cho việc giáo dục con.
 

Làm sao để bạn có thể thay đổi tư duy?


Làm sao để thay đổi tư duy

Hiện nay thì mình vẫn đang kiên trì áp dụng 2 cách sau:
  • Nhìn vào những người bạn có tư duy cố định: Họ đang có cuộc sống hiện tại như thế nào? Họ nhạy cảm với sự thất bại ra sao? Cuộc sống hiện tại của họ so với những năm trước đây như thế nào?
  • Nhìn vào những người bạn có tư duy phát triển: Họ đã phát triển bản thân hơn so với ngày xưa như thế nào? Cuộc sống của họ bây giờ so với ngày trước nó khác nhau ra làm sao?
Thông qua những người bạn cụ thể đó thì sẽ giúp cho bạn dễ hình dung hơn. Giúp cho bạn có thêm lòng tin để thay đổi bản thân.
 

Tư duy của cha mẹ ảnh hưởng đến con như thế nào? 


Tư duy cha mẹ ảnh hưởng đến con cái như thế nào

Có bao giờ bạn tự thắc mắc là trẻ con nhận được thông điệp khác nhau như thế nào từ những ba mẹ có tư duy cố định và ba mẹ có tư duy phát triển?
Theo một số nghiên cứu khoa học mà mình đã từng đọc thì người ta thống kê rằng cứ tầm đâu đó 3 phút thì trẻ con lại bắt đầu làm một hành động gì đó không đúng chuẩn mực. Điều đó có nghĩa là trong một ngày chúng ta sẽ có rất nhiều cơ hội để phản ứng, giảng giải và giáo dục con.
Tất cả những cử chỉ, lời nói, hành động của bạn sẽ truyền tải một thông điệp. Tất cả là tuỳ thuộc vào bạn trong việc bồi đắp hay phá huỷ đi nhận thức của con. Bạn gieo tư duy nào thì con sẽ nhận được tư duy đó thôi. Trẻ con có xu hướng nhạy cảm và hấp thu nhanh chóng thông điệp từ ba mẹ.
Con sẽ sớm nhận ra cách ba mẹ thường phản ứng trước mỗi hành động của con. Con sẽ tự nhận biết khi mắc sai lầm thì ba mẹ sẽ phán xét, quát mắng …hay là được ba mẹ thấu hiểu, đồng cảm và giảng giải. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào triết lý giáo dục của từng người.
Cách ứng xử của ba mẹ trong từng tình huống cụ thể thì một là mang ý nghĩa tích cực, hai là mang tính tiêu cực cho con. Nó không thể nào chỉ nằm ở vị trí trung tính đâu. Chẳng hạn:
Con bạn vừa mới biết bò hay biết đi sớm hơn so với những bạn cùng trang lứa.
Bạn sẽ khen con như thế nào?
Có phải là: con mẹ thông minh quá, giỏi quá. Con còn nhỏ hơn bạn hàng xóm 3 tháng mà bò được rồi trong khi bạn kia chưa biết làm gì hết?
Trong cuốn sách Mindset mà mình từng đọc thì tác giả đưa ra một kết luận:
“Khen ngợi về trí thông minh của trẻ sẽ làm tổn hại đến động lực cũng như hiệu suất của trẻ.”
Tại sao lại như vậy?
Không phải trẻ con thích được khen ngợi hay sao?
Đúng là trẻ con rất thích được khen ngợi. Đặc biệt là thích được khen về tài năng và trí thông minh. Khi được khen là tài năng và thông minh thì nó sẽ giống như giúp con có thêm sức mạnh. Nhưng bạn nên nhớ là nó chỉ có tác dụng ở khoảnh khắc ngay lúc đó thôi. Ngay khi con không hoàn thành được nhiệm vụ nào đó, con bị thất bại thì động lực sẽ bắt đầu biến mất. Sự tự tin của con cũng sẽ không còn nữa.
Nếu những lời khen ngợi về trí thông minh này được lặp đi lặp lại rất nhiều lần thì rất dễ biến con bạn trở thành một đứa trẻ có tư duy cố định. Con sẽ ngại phát triển. Con sẽ sợ thất bại, rất ngại tham gia những thử thách mới.
Do đó, bạn nên dạy con cách làm sao để có thể yêu thích những thử thách. Giúp con bị thu hút bởi những sai lầm và trở thành một người không ngừng nỗ lực, học hỏi để có thể khám phá bản thân mình.
Đừng bao giờ tạo nên môi trường giáo dục để con trở thành nô lệ của những lời khen. Con còn một chặng đường dài để xây dựng, tự sửa chữa sự tự tin của chính bản thân mình.
Quay trở lại ví dụ khi nãy, nếu muốn khen con thì bạn sẽ cần phải khen con như thế nào?
Thay vì khen ngợi về trí thông minh hay tài năng của con thì hãy khen sự nỗ lực trong suốt quá trình đó. “Mẹ biết là gần đây con đã cố gắng rất nhiều trong việc vận động tay chân để trườn đi mỗi ngày. Cho nên hôm nay con đã thành thạo kỹ năng này rồi.”
 
Bạn hãy thử chơi một trò chơi với con, đó là cho con đóng vai ba mẹ. Đưa ra một tình huống cụ thể rồi hỏi con nếu con là ba mẹ, con có đủ mọi quyền hạn trong gia đình thì con sẽ xử lý như thế nào.
Từ những câu trả lời này của trẻ thì phần nào đó bạn sẽ biết được là bình thường bản thân mình đã dạy con ra làm sao.
Bởi thực tế thì con sẽ bắt chước, học hỏi từ cha mẹ. Những hành động, cách ứng xử hằng ngày của cha mẹ như thế nào thì con sẽ ghi nhớ và thực hành lại y chang những điều này.
Vậy thì chúng ta phải tự sửa đổi bản thân như thế nào?
Theo ý kiến cá nhân mình thì từ đầu bạn nên thay đổi tư duy của mình sang tư duy phát triển để có thể giáo dục con được tốt hơn. Cần phải truyền tải những thông điệp rất rõ ràng với con rằng muốn đạt được thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào thì con cũng cần phải cố gắng, nỗ lực hành động.  
 

Bạn nghĩ như thế nào về trí thông minh con người?


Trí thông minh của con người

Thông mình có phải được quyết định do gen di truyền hay không?

Bạn có tin vào việc trí thông minh có thể thay đổi theo thời gian hay không?
Hay là trí thông minh hoàn toàn có thể thay đổi chứ không phải là một cái gì đó cố định.
Bản thân mình thì luôn tâm niệm một điều là đối với những sự kiện trong cuộc sống mà chúng ta chưa biết chắc chắn 100% (chẳng hạn như không biết con đi học vui hay buồn?) thì hãy suy nghĩ theo hướng tích cực để mọi việc tốt đẹp hơn.
Nói về trí thông mình thì các nhà khoa học đã nghiên cứu rất nhiều năm rồi nhưng vẫn chưa đưa ra một kết luận cuối cùng.
Bản thân mình đã từng là một người có tư duy cố định trong một khoảng thời gian dài. Nó đã làm cho cuộc sống của mình có những lúc rơi vào tình huống căng thẳng, giới hạn về mặt tầm nhìn thế giới quan.
Mình cũng như bạn thôi, nếu chúng ta vẫn tin tưởng là trí thông minh do gen di truyền quyết định thì có nghĩa là giống như sẽ phó mặc lại cho trời. Chúng ta không còn động lực để giáo dục con nữa. Tệ hơn nữa là không có bất kỳ kế hoạch nào định hướng phát triển cho con.
Nhìn rộng ra, đứa trẻ nào ngay từ đầu cũng sẽ có một phần gen di truyền từ ba mẹ. Đây là yếu tố cố định đã được fix từ lúc con còn chưa được sinh ra. Để có thể giúp ích cho con ở chặng đường phía trước thì chúng ta chỉ nên tập trung vào những yếu tố có thể thay đổi được. Chẳng hạn như môi trường sống, định hướng giáo dục, cách ứng xử của ba mẹ với những thất bại tạm thời…
Đừng bao giờ phán xét cũng như dán nhãn lên năng lực của con. Bởi chúng ta không thể nào biết được hết tiềm năng phát triển của con người đâu. Hãy trở thành những ba mẹ tốt, ở bên cạnh con những lúc vui vẻ hạnh phúc và cả những lúc con yếu đuối với hàng tá cảm xúc tiêu cực. 
Bởi đây mới chính là những điều bình dị nhất mà con cần ở ba mẹ.

Chúc bạn luôn sáng suốt trong hành trình chăm sóc và giáo dục con nhé ^^!

Về Chúng Tôi
Brian & Eve

Hi, chào mừng bạn ghé thăm blog của tụi mình. Mình là Thảo (Eve) và chồng mình là Vũ (Brian). Tổ ấm nhỏ của chúng mình vừa chào đón thiên thần đáng yêu Ralph (2022) sau hơn 4 năm về chung một nhà. Đây là nơi tụi mình sẽ cùng nhau ghi lại những chặng đường phát triển của con và những kinh nghiệm có được trong hành trình làm cha mẹ. Song song đó là những trải nghiệm quanh cuộc sống của một gia đình nhỏ tự lập cùng những vấn đề thường nhật hằng ngày qua lăng kính ĐƠN GIẢN HOÁ mọi việc để giúp bạn tự tin hơn, vui vẻ hơn và hạnh phúc hơn. BE SIMPLE. BE HAPPY & hãy cùng là CONSCIOUS PARENTING cùng chúng mình nhé!

Gửi Bình Luận

Trending on the blog